TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội
Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú đa dạng.
Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam và thực tiễn phát triển của TP Hồ Chí Minh để lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thành phố.
Trong suốt quá trình 40 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới”, văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố từ năm 1986 đến nay cho thấy nội dung, phương thức lãnh đạo của Thành ủy về xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Thành phố luôn chú trọng giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa của thế giới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; phát triển nhưng luôn giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị văn hóa gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam. Chính những nhân tố đó đã tạo nên văn hóa, con người Thành phố “Đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách”, góp phần tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của Thành phố.
Cùng với đó, tư duy lý luận về phát triển văn hóa Thành phố có bước phát triển khá rõ, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, trong Nhân dân ngày càng nâng lên. Phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo các tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được phát huy. Hoạt động văn hoá, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng. Phong trào văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ văn học - nghệ thuật phát triển góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đa dạng, phong phú. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú đa dạng. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng nhận được sử ủng hộ của xã hội.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước phát triển. Văn nghệ sĩ Thành phố được quan tâm chăm lo, tạo điều kiện phát huy quyền tự do sáng tác của mình, giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đa dạng, phong phú.
Công tác chăm lo cho các diện chính sách có công, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là những trường hợp gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở thực hiện thường xuyên, liên tục, huy động nhiều nguồn lực xã hội chăm lo đến từng cá nhân, hộ gia đình. Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.
Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc
Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được Thành phố quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực.
Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, Thành phố cũng đang đứng trước những thách thức. Đó là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chậm phục hồi, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây bất ổn an ninh khu vực và hòa bình trên toàn thế giới; sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự xâm nhập ngày càng nhiều các sản phẩm phi văn hóa, độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa mà TP Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm…
Để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục những khó khăn, Thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, nâng cao nhận thực trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và trong Nhân dân tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra văn hóa, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm
Ba là, tập trung công tác củng cố, sắp xếp, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Bốn là, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Năm là, tiếp tục tập trung việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Sáu là, nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá thành phố giai đoạn 2020 - 2030, xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc của Thành phố./..