Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định hướng phát triển cho nền nông nghiệp của Thành phố là “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Trong đó có mục tiêu hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đặc biệt, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được Thành phố xác định là “Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Nhằm chuyển giao kỹ thuật và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức cho nông dân để góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành một số chính sách thông qua các Chương trình cụ thể: Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/5/2015 của Thủ tướng Chính Phủ (Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 28/3/2016); Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 4652/QĐ-UBND ngày 06/9/2016); Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố (Quyết định 6150/QĐ-UBND ngày 24/11/2016).

Với vai trò là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố, trong thời gian qua Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, các Sở ban ngành, huyện, quận… để xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nông dân trong việc tiếp cận các kiến thức, công nghệ mới thông qua các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ. Kết quả, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa dạng, hiệu quả và phù hợp được chuyển giao, áp dụng thành công vào thực tế; nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho nông dân đã được triển khai giúp nông dân cập nhật kiến thức nâng cao trình độ, ứng dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn sản xuất tại các huyện, quận trong Thành phố. Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thành phố, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Đặc biệt ngày 29/06/2022, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và Hội Nông dân Thành phố có ký thỏa thuận hợp tác số 07-CTPT/HNDT-BQLKNNCNC về chương trình phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân giai đoạn 2022 - 2026. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, giữa hai đơn vị đã triển khai các hoạt động theo các nội dung hợp tác đã ký kết như: Phối hợp tổ chức 2 lớp đào tạo tập huấn cho bà con nông dân cho 60 lượt bà con nông dân, cán bộ nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời cử giảng viên là các công chức, viên chức trực thuộc Ban Quản lý tham gia giảng dạy các lớp đào tạo do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân Thành phố thuộc Hội Nông dân Thành phố tổ chức. Tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP theo Kế hoạch 260/KH-NNCNC của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao qua đó giúp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp. Tham dự buổi họp mặt Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2023 và có bài báo cáo tham luận về các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có khả năng chuyển giao cho các thành viên trong Hội Nông dân Thành phố.

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cũng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân để triển khai các hoạt động chuyển giao các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, như chuyển giao mô hình “nuôi cá Chạch bùn trong bể” cho ông Trịnh Văn Sướng, hội viên Hội nông dân xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.

Chuyển giao các mô hình sản xuất rau ăn lá: Sản xuất rau ăn lá (rau muống, cải ngọt, cải xanh…) theo hướng thủy canh, trồng trên giá thể cung cấp dinh dưỡng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; Mô hình sản xuất Dưa lưới: Dưa lưới được trồng trong nhà màng trên giá thể và dinh dưỡng được cung cấp bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; Mô hình sản xuất cà chua bi: Cà chua bi được trồng trong nhà màng trên giá; Mô hình sản xuất Dưa leo: Dưa leo được trồng trong nhà màng trên giá thể và dinh dưỡng được cung cấp bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; Mô hình sản xuất thủy canh hoàn lưu: Rau ăn lá được trồng theo phương pháp thủy canh hoàn lưu trong nhà màng; Mô hình hoa lan: tập trung phát triển các loại có giá trị kinh tế cao như giống hoa lan Mokara cắt cành, lan Dendrobium, một số giống hoa Hồ điệp và hoa lan hậu cấy mô khác; Mô hình trồng ớt: Ớt được trồng trong nhà màng trên giá thể và dinh dưỡng được cung cấp bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; Mô hình trồng nấm (nấm Linh chi, nấm bào ngư…); Mô hình nhân nuôi in vitro một số loại cây: hoa lan, hoa nền, chuối, cây dược liệu.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu NNCNC thường xuyên phối hợp với các huyện, quận tổ chức và tham gia các chương trình hội thảo, tọa đàm giao lưu, nhằm giới thiệu hoạt động, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuât nông nghiệp.

Công tác phối hợp đào tạo, tập huấn cho nông dân luôn được chú trọng. Các Trung tâm trực thuộc Ban thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện tổ chức các lớp đào tạo cho lao động nông thôn. Trong thời gian qua, các Trung tâm trực thuộc Ban Quản lý Khu NNCNC đã tổ chức thành công 130 lớp đào tạo sơ cấp nghề, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng và các lớp tập huấn nghề cho nông dân, lao động nông thôn và đoàn viên thanh niên. Cấp chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học cho 4.542 học viên. Trong đó, cấp chứng chỉ cho 661 học viên sơ cấp nghề, 3.496 học viên đào tạo nghề dưới 3 tháng; cấp chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho 385 học viên (trong đó có 25 đoàn viên thanh niên được hỗ trợ đào tạo miễn phí). Số học viên sau khi tốt nghiệp đều được cấp chứng chỉ và trên 80% học viên đã áp dụng kiến thức trong quá trình sản xuất. Tổ chức 293 lớp tập huấn ngắn hạn về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, tiếp thị bán hàng, sở hữu trí tuệ, marketing quốc tế, các kỹ thuật canh tác không sử dụng đất, nhân giống hoa, cây dược liệu, sản xuất ứng dụng vi sinh trong nông nghiệp cho 13.871 học viên là cá nhân thuộc các tổ chức doanh nghiệp, doanh nghiệp ươm tạo, hợp tác xã, viện trường có nhu cầu trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức 25 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên các đối tượng như rau ăn lá, dưa lưới, ớt, cà chua, khổ qua, dưa leo; các loại hoa lan, cây kiểng; các loại cây ăn trái; nấm ăn và nấm dược liệu cho 700 lượt bà con xã viên trên địa bàn Thành phố tham dự.

Một số học viên của lớp đào tạo do Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã khởi nghiệp thành công với các sản phẩm nông nghiệp được Hội Nông dân Thành phố thẩm định đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh khen thưởng và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Thành phố như ông Hà Văn Lộc - Giám đốc Cty TNHH TCS với sản phẩm tinh dầu khẩu trang và nhang ngãi cứu; ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH BamBi HANA với sản phẩm nước dưỡng hoa tươi (giải nhất cuộc thi chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2022); ông Nguyễn Thành Lộc - Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 với sản phẩm rau ăn lá sản xuất khí canh trụ đứng)...

Cùng với đó, phối hợp với Phòng kinh tế, Hội Nông dân các huyện, quận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn Thành phố như chuyển giao tại huyện Củ Chi cho hộ Ông Cường xã Nhuận Đức về mô hình ớt thương phẩm; Ông Ngô Thanh Vinh xã Phạm Văn Cội về mô hình giống ớt lai F1 và rau ăn lá; ông Phạm Trung Hải hộ ông Phạm Trung Nhân xã Trung Lập Thượng về mô hình dưa lưới; hộ ông Nguyễn Văn Đàn, xã Phạm Văn Cội, hộ ông Hồ Văn Nhện xã Tân Thạnh Tây về mô hình trồng Mokara; hộ ông Trần Việt Trinh xã Nhuận Đức, HTX rau sạch Củ Chi xã Phú Hòa Đông về mô hình trồng rau ăn lá thủy canh Hoàn lưu; hộ Ông Đặng Thành Nhân xã Tân Thạnh Tây về trồng rau ăn lá và tại huyện Cần Giờ cho Hợp tác xã NN Thuận Yến xã Long Hòa về quy trình trồng dưa lưới; mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP (Diện tích 0,5ha) tại xã Long Hòa. Thông qua các mô hình chuyển giao này, các hộ nông dân được cán bộ nghiên cứu trực tiếp hướng dẫn, đào tạo giúp nông dân tiếp cận được với kỹ thuật canh tác mới, quy trình trồng đạt hiệu quả cao hơn đem lại nguồn lợi kinh tế cho người nông dân.

Qua đây có thể nói, hoạt động phối hợp với Hội Nông dân Thành phố là một trong những hoạt động thường xuyên và cần thiết của Ban Quản lý Khu NNCNC nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyển giao công nghệ đến nông dân, doanh nghiệp góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới./..

CM