Bảng thu-chi quỹ lớp "khủng" của lớp Một 2 trường Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) do Phụ huynh cung cấp.
Vụ việc trên xảy ra tại lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Trong phiên họp cha mẹ học sinh (CMHS) ngày 13/8/2023, Ban đại diện CMHS xin ý kiến nhà trường được cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học tại phòng học này trong 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5). Phòng học hiện hữu của lớp sẽ được sửa chữa các hạng mục: làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt, tủ...Phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện và phụ huynh đồng thuận. Nội dung được sự nhất trí của 29/32 phụ huynh (vắng 3 người).
Về hiện trạng lớp học, nhà trường đã trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt, bảng tương tác... nhưng phụ huynh vẫn có nguyện vọng cải tạo lớp học khang trang và đầy đủ tiện nghi để con em được học suốt 5 năm học. Nhà trường đã đồng thuận theo nguyện vọng của phụ huynh cải tạo sửa chữa lớp gồm các hạng mục như: lắp đặt máy lạnh, quạt hút, lát lại nền, làm tủ lớp, tủ giầy, xây bồn hoa trước lớp.
Về các khoản thu - chi Ban đại diện đã công khai trên nhóm phụ huynh với tổng số tiền hội lớp đã thu là 313.300.000 đồng (31/32 học sinh). Trong đó, tổng số tiền hội lớp đã chi là 260.328.500đ; dư 52.971.500 đồng.
Trước vấn đề này, chiều 28/9, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh xác minh sự việc và có giải pháp khắc phục việc thu chi sai quy định.
Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh đã yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm qua vụ việc, đồng thời tiến hành họp với Ban đại diện CMHS và toàn thể CMHS lớp Một 2 ngay trong ngày 27/9/2023 để trao đổi thông tin, các nội dung có liên quan đến việc vận động, công tác thu - chi Quỹ hoạt động Ban đại diện CMHS đảm bảo đúng quy định. Đối với kế hoạch hoạt động của Ban đại diện CMHS lớp phải thực hiện đúng theo các quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDDT và Thông tư 16/2018/TT-BGDDT. Mặc dù công trình cải tạo lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp nhưng quy trình vận động, thu chi không đúng quy định nên Phòng Giáo dục và Đạo tạo yêu cầu Ban đại diện lớp Một 2 sẽ hoàn trả số tiền này cho phụ huynh theo đúng quy định (gồm 227.030.000 đồng đối với công trình cải tạo lớp học và 20 triệu 515 ngàn với các khoản chi như chi văn nghệ, chi tiền ăn uống, gấu bông, chi hỗ trợ cô Thu.
Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh cũng chỉ đạo nhà trường theo dõi và giám sát việc thực hiện hoàn trả tiền thu - chỉ sai quy định của ban đại diện CMHS lớp Một 2 và có báo cáo kịp thời về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với bà Huỳnh Ngọc Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp Một 2 và bà Bùi Thị Hải Yến , Hiệu trưởng nhà trường về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường.
Những khoản đóng góp "tự nguyện" đang khiến phụ huynh ngao ngán. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hi hữu mà đã có rất nhiều câu chuyện tương tự được phản ánh trong thời gian qua với những con số lạm thu khiến chúng ta giật mình. Đơn cử như ngay trong năm học 2023-2024 này, tại trường THPT Thanh Miện III (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã gây xôn xao với khoản thu đầu năm lên đến 8,7 triệu đồng/ học sinh, trong đó có 6 khoản thu không có trong quy định và 2 khoản thu chưa thực hiện đúng quy trình gồm tiền vận động tài trợ (xã hội hóa) và tiền quỹ hội cha mẹ học sinh. Hay như một trường THCS trên địa bàn TP Chí Linh cũng ở tỉnh Hải Dương có tới 16 khoản thu đầu năm học (mức thu hơn 3,7 triệu đồng/học sinh) trong đó có những khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết số 8 của HĐND Hải Dương
Đúng là “đến hẹn lại lên”, để rồi thế là cứ vào đầu năm học, biết bao phụ huynh lại lo lắng, hoang mang thậm chí sợ hãi khi phải đi họp phụ huynh cho con em mình. Bởi lẽ, bên cạnh các khoản phải đóng góp theo quy định và cần thiết cho một đứa trẻ được đi học đầu năm như: tiền mua sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục, tiền học phí theo quy định, tiền phục vụ bán trú (nếu học sinh học cả ngày), tiền mua bảo hiểm y tế…thì họ còn phải đóng thêm những khoản tiền khác mà Ban đại diện CMHS đưa ra và được xem là đã hoàn toàn “tự nguyện, đồng thuận”. Không ít người cho biết, họ không sẵn sàng với khoản thu ngoài quy định như thế song trong mỗi buổi họp phụ huynh vì số đông đã đồng ý, nên “đành” phải miễn cưỡng chấp nhận, cố gắng vì con, sợ con xấu hổ với bạn bè. Sau những cuộc họp như thế, không ít người tỏ ra bức xúc nhưng đặt vào “sự đã rồi”.
Với quan điểm “giáo dục và đào tạo” là quốc sách hàng đầu, ngành giáo dục đã và đang được Đảng, Nhà nước ta vô cùng quan tâm, tạo điều kiện. Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, ngành giáo dục cũng nhận được sự quan tâm của xã hội thông qua nhiều chương trình xã hội hóa rất hiệu quả. Trong thời gian qua, chúng ta thấy rõ điều này đặc biệt là hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo nhằm giúp học sinh có môi trường giáo dục tốt hơn, phát triển toàn diện hơn. Với các hoạt động xã hội hóa ý nghĩa như thế, thiết nghĩ, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cần phải làm rõ, phân biệt rõ tránh nhập nhằng giữa xã hội hóa và lạm thu. Đối với những hoạt động “xã hội hóa” như trong câu chuyện của lớp Một 2 ở TP Hồ Chí Minh vừa qua thì chúng ta cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận, chấn chỉnh lại.
Để giả quyết tình trạng này, đầu tiên là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trực tiếp, mà ở đây chính là các Sở giáo dục, Phòng Giáo dục. Các đơn vị này cần phải sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể thu chi đầu năm học và hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn đồng thời, các địa phương cần thực hiện kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, trong đó chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải nhận thức rõ muốn xã hội hóa chúng ta phải làm gì, làm như nào và khi nào được xã hội hóa. Chúng ta cũng cần thông tin tuyên truyền cho hội cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa đó để nâng cao nhận thức của xã hội, huy động được đóng góp xã hội cho phát triển giáo dục nhưng không xảy ra tình trạng lạm thu.
Đặc biệt, bản thân mỗi phụ huynh cũng cần mạnh dạn có những tiếng nói thể hiện rõ chính kiến của mình trong vấn đề này. Nhiều người cho rằng, chính sự im lặng, sự đồng ý miễn cưỡng của nhiều phụ huynh là "tấm bình phong" để các hoạt động lạm thu với nhiều khoản thu sai quy định vẫn thường xuyên xảy ra như thời gian vừa qua./.