Là huyện ngoại thành nằm phía Tây Bắc của TP.Hồ Chí Minh, Hóc Môn có diện tích tự nhiên gần 11.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 60% diện tích. Huyện bao gồm 11 xã và 1 thị trấn, với trên 396.000 dân. Trong đó, hơn 10.000 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 11%. Bắt đầu từ năm 2010, Xuân Thới Thượng là xã điểm của Hóc Môn được TP.Hồ Chí Minh chọn để xây dựng xã nông thôn mới của Thành phố, sau 4 năm triển khai, Xuân Thới Thượng đã xây dựng thành công nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí vào năm 2014. Từ mô hình này, địa phương đã rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện, theo đó đến giai đoạn 2013 - 2015, trừ thị trấn Hóc Môn và xã Trung Chánh do đô thị hóa, huyện đã nhân việc xây dựng nông thôn mới ra những xã còn lại.

Sau 8 năm thực hiện, đến nay, huyện Hóc Môn đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã có 9/9 xã nhân rộng đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Hóc Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn các xã nông thôn mới. Qua đó, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, huyện đã sửa chữa được 230 tuyến đường. Nhiều công trình văn hóa, trường học, trạm y tế…được đầu tư xây dựng. Tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm tăng 19,95%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 17 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 phải đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huyện đã vận động hơn 8.400 hộ dân hiến hơn 272.600 m2 đất và vật kiến trúc với tổng giá trị trên 555 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt chuẩn là 100%. Ông Phạm Văn Cáo, người dân ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng cho biết, với mong muốn cho bà con có được tuyến đường thuận lợi, ông đã bàn bạc với gia đình hiến toàn bộ phần đất hơn 1.400 m2, trị giá gần 2 tỷ đồng mà không nhận bất cứ khoản tiền đền bù nào để làm đường. Không chỉ gia đình ông Cáo tự nguyện hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng, mà ở Hóc Môn, phong trào trên cũng có sự tham gia nhiệt tình của các gia đình khác. Đến nay, đã có trên 6.900 hộ dân ở Hóc Môn hiến hơn 17 ha đất và vật kiến trúc khác với giá trị hàng trăm tỷ đồng trong làm đường giao thông nông thôn.

Trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao ở huyện Hóc Môn. Ảnh: K.V

Nhờ giao thông thuận tiện và chính sách mời gọi doanh nghiệp về huyện đầu tư, giúp hàng hóa người dân làm ra có sự kết nối dễ dàng với vùng nội thành của TP.Hồ Chí Minh. Cả huyện đã có trên 380 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm giao thông, công trình thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, chợ... Hiện nay, Hóc Môn đã thu hút được trên 500 doanh nghiệp, thu hút hàng nghìn lao động tại địa phương có việc làm với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ có giá trị kinh tế cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao, từ đó xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp nông nghiệp đô thị như trồng nấm, rau an toàn, hoa lan, cây cảnh, nuôi bò sữa… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện bình quân đạt gần 20%/năm.

Có thể thấy, diện mạo nông thôn ở Hóc Môn đã từng bước thay đổi, hạ tầng giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa, các tuyến đường liên xã, liên ấp được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm ăn sinh sống, tạo cảnh quan, môi trường sống xanh, sạch, đẹp và môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. Cơ sở văn hóa thể dục thể thao, các công trình trường học, chợ… được đầu tư xây mới, nâng cấp, tôn tạo; cơ cấu kinh tế nông nghiệp dần chuyển sang nông nghiệp đô thị, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... 

Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn cho hay, qua thời gian triển khai và thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây đã đạt hiệu quả cao, đó là do huyện xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức trong nhân dân trên địa bàn huyện về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là có sự tập trung của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp được triển khai cụ thể, liên tục, đồng bộ, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các địa phương thực hiện. Huyện đã luôn chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở xã. Đối với cấp xã đã đưa ra nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương. Xác định nguồn vốn xây dựng nông thôn mới rất lớn, do vậy, đã đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Qua công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Người dân đã nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và chung tay góp sức vào thực hiện đề án trên địa bàn. Ðặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã ở Hóc Môn luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch, phát huy vai trò làm chủ, giám sát của nhân dân đối với các công trình đầu tư hạ tầng và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Ngoài tuyên truyền dưới nhiều hình thức, huyện còn đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động vì người nghèo; phong trào thi đua tại địa phương, từ đó củng cố thêm niềm tin để mọi tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng thành công nông thôn mới vững chắc. Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đạt 19 tiêu chí quốc gia nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho dân. Lấy lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, trong những năm tiếp theo, huyện Hóc Môn đang rà soát lại tiêu chí quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình. Qua đây, các cấp, ngành và địa phương ở Hóc Môn thường xuyên quán triệt trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về chủ trương nâng cao chất lượng xây dựng tiêu chí nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, nâng cao nhận thức vai trò của mình, tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.

K.V