Chiều 12/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của 550 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.
|
|
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. (Ảnh: Việt Dũng) |
TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TP Hồ Chí Minh trải qua một năm 2021 đầy cam go và thử thách chưa từng có. Vượt qua những khó khăn, Thành phố đã chứng kiến sự “vùng dậy” mãnh liệt, trong đó người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã làm nên những điều hết sức kỳ diệu dù trên mình còn đang nhiều "thương tích". Tại Hội nghị hôm nay, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh hết sức trân trọng và chân thành cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành bạn. Đồng thời, trân trọng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã sát cánh, hỗ trợ, sẻ chia với lãnh đạo và Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong thời điểm khó khăn nhất.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn sàng tham gia, thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng, với một quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất góp phần cho sự phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân tại 2 vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể, tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo một chuyển biến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
|
|
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Việt Dũng) |
Phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai vùng đất cách mạng, hy sinh, mất mát rất lớn để đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân ở khu vực còn nhiều khó khăn này.
Bên cạnh khai thác những tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương trên, việc tăng cường đầu tư vào đây, theo Chủ tịch nước sẽ giúp TP Hồ Chí Minh giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, đây không phải là chương trình làm một lần, kết thúc trong 1 ngày. Với tư cách là đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, các Đại biểu cam kết giám sát các dự án đầu tư vào hai huyện và báo cáo cử tri. Do vậy, mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thực việc thực.
Vui mừng kết quả các cam kết đầu tư vào hai huyện tại Hội nghị lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này, còn lại là các bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tên tuổi, Chủ tịch nước nhận xét, các dự án không chỉ đầu tư trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ mà còn cả trong sinh thái, môi trường, xử lý rác, nhà ở xã hội. Đó là sự quan tâm đồng bộ.
Chủ tịch nước lưu ý, các cam kết đầu tư lần này phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với các quy hoạch lỗi thời, phải được xem xét bởi các chuyên gia, nhà chuyên môn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với chiến lược phát triển của Thành phố và hai huyện.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, nguyên tắc xuyên suốt của các dự án phát triển Hóc Môn và Củ Chi là phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là một đô thị sinh thái thông minh, bền vững. Hóc Môn - Củ Chi là hai đơn vị hành chính nhưng phải luôn đi cùng nhau không phải là mâm cỗ mới, dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ các cơn sốt giá nhà ở Thành phố.
Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền các cấp, nhất là hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đề cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường thỏa đáng cho người dân, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên tạo việc làm và sinh kế tại chỗ; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, đề nghị TP Hồ Chí Minh, hai huyện Hóc Môn, Củ Chi phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan giải quyết các nút thắt về giao thông, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; phát triển doanh nghiệp tư nhân; giảm thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử; tái đào tạo và sử dụng lao động chất lượng cao.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước đề nghị “phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; sau các ký kết cam kết đầu tư hôm nay phải sớm triển khai nhanh kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư, tuân thủ pháp luận, nói không với tiêu cực, tham nhũng”. Đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi – hai địa phương có ý nghĩa đặc biệt - cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng.
Chủ tịch nước tin tưởng, qua Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chọn Hóc Môn và Củ Chi như một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ danh mục dự án đầu tư của mình.
Các nhà đầu tư đã nêu nhiều ý kiến, hiến kế
Việc mời gọi đầu tư vào hai huyện trên nhằm khai phá tiềm năng khu vực Tây Bắc của TP Hồ Chí Minh trở thành khu đô thị sinh thái, dịch vụ, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu định hướng quy hoạch tổng thể TP Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn và Củ Chi; giới thiệu quy hoạch giao thông thành phố; đồng thời, giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn hai huyện.
Các dự án được hai huyện mời gọi đầu tư dịp này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông - kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - văn hóa - thể thao; trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có số lượng dự án mời gọi lớn nhất.
|
|
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Việt Dũng) |
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã nêu nhiều ý kiến, hiến kế về các dự án đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, AEON dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Theo đó, AEON mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, nâng tầm phong cách sống và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách địa phương.
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) đề xuất thêm, TP Hồ Chí Minh xem xét mở rộng nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao hơn, mở rộng khu chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất giống ra hoa ngắn. Bởi vì, việc này không cần diện tích lớn nhưng có thể tạo ra vài chục tỷ đồng/ha.
|
|
Một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư. (Ảnh: VOV) |
Theo đó, Sagri sẽ ký kết với các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là phát triển hệ thống giết mổ, chế biến gia súc - gia cầm ứng dụng công nghệ cao hiện đại, góp phần sản xuất, chế biến thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là một nội dung chiến lược Sagri xác định phát triển bền vững và cũng góp phần cung ứng thực phẩm an toàn hướng tới xuất khẩu…
Cũng tại Hội nghị, trên 1000 ngôi nhà đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ cho hai huyện, mỗi huyện 500 căn. Đáng chú ý, Tập đoàn Sovico và HDBank đã trao tặng 280 căn nhà tình nghĩa - tình thương, 10.000 thẻ bảo hiểm y tế, 1.000 suất học bổng và xây dựng hai trường mẫu giáo cho địa phương. /..