Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2023 - Ảnh: Trần Huỳnh

Kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.

Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh.

Trong số 96.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1, số lượng thí sinh đến từ TP Hồ Chí Minh cao nhất với hơn 31.000 em, tiếp đó là Đồng Nai, Bình Định, Bình Dương. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 diễn ra tại 24 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh.

Được biết, tổng số điểm thi là 90; trong đó các địa phương có nhiều điểm thi, gồm TP Hồ Chí Minh có 30 điểm, Khánh Hòa 8 điểm, Đồng Nai 7 điểm.

Năm nay, theo thông tin của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo công bố, hơn 105 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển một phần chỉ tiêu./..

 

V.Lê