Gian hàng nặn tò he được nhiều khách tham quan yêu thích. (Ảnh: CM)

Đa dạng hóa hình thức quảng bá du lịch kết hợp với văn hóa

Biết được lợi thế đó, TP Hồ Chí Minh khai thác giá trị văn hóa trong quảng bá du lịch được thực hiện tập trung chủ yếu ở các hình thức đa dạng như: giới thiệu văn hóa tại các gian hàng du lịch trong các hội chợ, sự kiện về du lịch, các hội nghị chuyên đề quảng bá, giới thiệu du lịch, trên màn hình led tại các cửa ngõ Thành phố, Sân bay Tân Sơn Nhất và điểm tập trung đông du khách. Qua các sự kiện du lịch này, khách tham quan không chỉ được nghe, xem và còn được trải nghiệm văn hóa với các hoạt động hết sức cụ thể như vẽ tranh, nặn tò he và trải nghiệm ẩm thực. Nhờ đó, đã tăng lượng khách đến tham quan, tìm hiểu về du lịch của Thành phố.

Điển hình, tại Lễ hội Áo dài không chỉ đơn thuần giới thiệu văn hóa mà còn thông qua đó quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch đến Thành phố với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Đối với Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức đã khéo léo kết hợp bố trí các gian hàng ẩm thực, sân khấu biểu diễn nghệ thuật để thu hút du khách đến tham quan mua sắm du lịch và trải nghiệm văn hóa. Trong khi đó, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lại giới thiệu những tinh hoa về ẩm thực, nghệ thuật của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh đến với khách quốc tế.

Song song đó, ngành Du lịch Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch gắn với giới thiệu văn hóa tại các hội chợ thuộc các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam và Thành phố như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Tây Âu.

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, gian hàng du lịch TP Hồ Chí Minh khá phong phú nhằm trưng bày ấn phẩm du lịch, tiếp xúc gặp gỡ nhanh với đối tác, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, vẽ tranh trên nón lá. Trong Hội chợ ITB Asia, Singapore, Người mua quốc tế và khách thương mại được trải nghiệm các hoạt động phong phú, đa dạng về du lịch, đi liền theo đó là các hoạt động trải nghiệm về văn hóa như được nhận nhiều ấn phẩm, vật phẩm có hình ảnh điểm đến Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; thưởng thức các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc đàn bầu, đàn tranh, đàn T'rưng, đặc biệt hoạt động nặn tò he và hoạt động tô màu trên nón lá được nhiều khách tham quan yêu thích… Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Berlin 2023, Cộng hòa liên bang Đức, Sở Du lịch đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam - TP Hồ Chí Minh tại gian hàng chung Việt Nam với 03 mô hình độc đáo, ấn tượng của Khuê Văn Các (Hà Nội), Chùa Cầu (Hội An), Chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh). Khách đến gian hàng du lịch, tham gia hoạt động giao thương ngoài việc được trải nghiệm vẽ tranh trên nón lá và được tặng nón do chính tay mình vẽ, còn được chiêu đãi các món đặc sản của Việt Nam (phở, gỏi cuốn, bánh cam…).

Để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh điểm đến TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên ngành Du lịch Thành phố đã tổ chức quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Thành phố trên màn hình LED tại các cửa ngõ ra vào Thành phố, Sân bay Tân Sơn Nhất và điểm tập trung đông du khách. Những điểm thu hút, dễ tiếp cận đến du khách trong và ngoài nước như khu vực Cầu Sài Gòn, trục đường Nguyễn Văn Trỗi; Khu vực Ga đi quốc nội Sân bay Tân Sơn Nhất; Vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám, Vòng xoay Lý Thái Tổ, Tòa nhà Vincom Đồng Khởi và Tòa nhà AB. Tại những điểm này đã triển khai trình chiếu giới thiệu về các sự kiện du lịch tiêu biểu của Thành phố, tổng quan về văn hóa nghệ thuật dân tộc, các địa điểm du lịch nổi tiếng, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực đặc sắc của TP Hồ Chí Minh; đẩy mạnh quảng bá về chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh Chào đón Bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”. Cùng với đó, thông qua Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D 360 độ với hình ảnh, âm thanh, video clip giới thiệu gần 80 điểm đến du lịch đặc trưng ở TP Hồ Chí Minh với khoảng 90% là các điểm đến văn hóa.

Giải pháp kết hợp khai thác giá trị văn hóa trong hoạt động quảng bá du lịch

Tuy nhiên, việc giới thiệu văn hóa đến với du khách trong các hoạt động quảng bá du lịch thời gian qua vẫn còn thiếu những sản phẩm có tính đặc trưng của Việt Nam và TP Hồ Chí Minh. Những sản phẩm chủ yếu được sử dụng giới thiệu là vẽ nón lá, làm tò he và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Một số ít chương trình có thêm giới thiệu văn hóa ẩm thực. Điều này phần nào xuất phát từ sản phẩm quà tặng gắn với văn hóa đặc trưng của Việt Nam và Thành phố chưa thật sự phong phú, ngân sách dành cho hoạt động quảng bá, xúc tiến vẫn còn khiêm tốn.

Để tiếp tục khai thác giá trị văn hóa trong hoạt động quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, ngành Du lịch Thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường nghiên cứu thị trường, tìm hiểu đặc tính, thị hiếu của khách để có thể “đo ni đóng giày” cho sản phẩm du lịch, kết hợp giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng cho phù hợp với các thị trường.

Tiếp tục tham dự các hội chợ, hội nghị, hội thảo và sự kiện quảng bá giới thiệu du lịch ở trong và nước ngoài, lồng ghép giới thiệu sản phẩm văn hóa Việt Nam, TP Hồ Chí Minh. Đối với các hội chợ có thiết kế gian hàng, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu bố trí khu vực riêng cho các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường độ nhận diện cho điểm đến du lịch Thành phố. Song song đó, cần đa dạng hóa hình thức giới thiệu văn hóa, dùng đặc trưng văn hóa để thu hút khách du lịch.

Cùng với đó, trong các sản phẩm văn hóa cần khai thác cho quảng bá du lịch, đề xuất tập trung vào quảng bá du lịch ẩm thực, lấy đặc tính đa dạng của ẩm thực TP Hồ Chí Minh làm giá trị dẫn dắt cho các chiến dịch truyền thông quốc tế trong thời gian tới.

Đồng thời, tổ chức thiết kế quà tặng du lịch vừa gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa đặc trưng của điểm đến Thành phố, vừa thuận tiện để mang theo trong các hoạt động quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh đến với các thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nghiên cứu tăng đầu tư ngân sách cho công tác quảng bá du lịch; đề xuất các cơ quan liên quan xem xét có chế độ ưu đãi về phí vận chuyển hàng hóa là vật phẩm, dụng cụ thuộc sản phẩm văn hóa khi mang theo đi quảng bá du lịch, nhất là ở nước ngoài.

Để gia tăng cường việc khai thác giá trị văn hóa trong quảng bá du lịch, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu thị trường để chọn các sản phẩm văn hóa cần giới thiệu cho phù hợp từng thị trường; tiếp tục tham dự các hội chợ, sự kiện quảng bá du lịch trong và ngoài nước có lồng ghép giới thiệu sản phẩm văn hóa Việt Nam, TP Hồ Chí Minh; tập trung giới thiệu du lịch gắn với văn hóa ẩm thực của TP Hồ Chí Minh - được xem là “nơi hội tụ của ẩm thực Việt Nam”; gia tăng hàm lượng văn hóa trong các quà tặng được thiết kế cho du lịch./.

 
PV