Nhằm đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã vừa giao Trung tâm Tư vấn đấu thầu và Hỗ trợ đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện nhiệm vụ rà soát, lập và đánh giá các hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trước khi chuyển Tổ công tác hoàn chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao hoàn thành việc thẩm định, trình Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP, huyện Củ Chi trong tháng 8/2019.
Theo đó, việc quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm qua ở TP.Hồ Chí Minh không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng y tế..., trong khi đó phương pháp xử lý chất thải rắn của TP.Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí...
Lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đang ngày một gia tăng. Ảnh: K.V
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn Thành phố khoảng 8.700 tấn, chủ yếu phát sinh từ các nguồn như khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất...
Hiện số rác thải được thu gom, vận chuyển về các khu liên hiệp xử lý chất thải của thành phố gồm khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa...
Dự báo đến năm 2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt là 10.082 tấn/ngày, chất thải nguy hại 549 tấn/ngày; chất thải y tế 30 tấn/ngày. Đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày; chất thải nguy hại 807 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 50,5 tấn/ ngày...
Ngoài ra, tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Bộ Xây dựng là 1,3kg/người/ngày, tuy nhiên tốc độ phát sinh chất thải rắn trên địa bàn Thành phố hiện nay là 1kg/người/ngày; dự báo đến năm 2025 là 1,3kg/người/ngày.
Từ thực tế trên, TP.Hồ Chí Minh mong muốn có những nhà máy xử lý rác thải thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, thiết kết đẹp như những công trình văn hoá nghệ thuật. Để triển khai, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia một cách công khai, minh bạch và những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và cùng đạt được những kết quả tốt nhất. Thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có đầu tư vào lĩnh vực này.
Với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua, TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư. Về chính sách đất đai, nếu dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh mà đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định thì được chọn 1 trong 2 chế độ: hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp.
Thành phố sẽ sử dụng quỹ đất trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi để bố trí phù hợp cho nhà đầu tư xây dựng dự án; ngoài ra thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư. TP.Hồ Chí Minh cũng có các chính sách về hỗ trợ giá mua, bán điện; về nguồn vốn, về thuế./.