|
|
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: CM) |
Ngày 20/9, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
Đây là sự kiện khoa học quốc tế thường niên giữa VASS, LASES và RAC, được tổ chức luân phiên tại 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tham dự Hội thảo có 100 đại biểu đến từ các cơ quan của 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia. Về phía các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo có các đồng chí: TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS Sonethanou Thammavong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào; Viện sĩ, TS. Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; PGS.TS Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự có mặt của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan ngoại giao từ Việt Nam, Lào, Campuchia và đại diện cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo tập trung làm rõ các 03 vấn đề quan trọng: xu hướng phát triển kinh tế số và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số vào phát triển thương mại, đầu tư tại Việt Nam, Lào, Campuchia; cơ hội và thách thức từ quá trình chuyển đổi số đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước; các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Lào – Campuchia trong nền kinh tế số.
Các tham luận và thảo luận tại Hội thảo chỉ ra xu hướng tất yếu của hợp tác thương mại, đầu tư thế giới và khu vực trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế, công nghệ quan trọng nhất hiện nay. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ các nước coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa các quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển. Xu hướng trên sẽ mở ra các cơ hội song cũng đồng thời đặt ra các thách thức trong quá trình phát triển, mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại cho mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia. Các báo cáo góp phần chỉ ra thực trạng hợp tác thương mại và đầu tư giữa 3 quốc gia trong bối cảnh kinh tế số hiện nay.
Tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia là rất lớn, song kết quả đạt được trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam, Lào, Campuchia cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong; điều kiện kinh tế số. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia. Đồng thời, các nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của CMCN 4.0, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới. Các nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số
Trình bày về “Hiện trạng thương mại Việt Nam với Lào và Campuchia”, TS. Phạm Bích Ngọc, Trưởng phòng Phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước (trong đó có Lào và Campuchia) không ngừng được mở rộng. Hiện nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ ba của Lào (sau Thái Lan và Trung Quốc), đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ).
Lào là thị trường xuất khẩu lớn thứ 35 của Việt Nam; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có xu hướng tăng, từ 321 triệu USD năm 2007 lên 1,16 tỷ USD năm 2019 (tăng gấp 3,63 lần so với năm 2007). Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm mạnh xuống còn 1,03 tỷ USD năm 2020 nhưng đã phục hồi và tăng trở lại trong năm 2021 (1,36 tỷ USD) và năm 2022 (1,63 tỷ USD).
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Thái Lan và Trung Quốc) trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nước này; Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có xu hướng tăng, tương đối ổn định từ 1,25 tỷ USD năm 2007 lên 5,28 tỷ năm 2019 (tăng gấp 4,24 lần so với năm 2007), hoàn thành trước một năm so với mục tiêu đạt kim ngạch 5 tỷ USD giữa hai nước vào năm 2020 mà lãnh đạo Chính phủ hai nước đã cam kết.
|
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: CM) |
Kiến nghị giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, TS. Phạm Bích Ngọc chia sẻ, Việt Nam, Lào và Campuchia đã xây dựng được một số chiến lược, chính sách tương đối hoàn thiện thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào, Campuchia phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cần tổ chức các diễn đàn thương mại giữa Bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp của ba nước để định kỳ rà soát các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương, đẩy nhanh hướng dẫn các thỏa thuận hợp tác song phương giữa ba nước, thực hiện hiệu quả chính sách giảm thuế; nghiên cứu thành lập Tổ công tác hỗn hợp về thương mại để kịp thời xem xét giải quyết những vướng mắc, hạn chế về quản lý, lưu thông hàng hóa nhằm thúc đẩy sản xuất, buôn bán giữa ba nước; Ngoài những mặt hàng xuất nhập khẩu truyền thống, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh xuất nhập khẩu những mặt hàng khác mà mỗi nước có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu và hai nước còn lại có nhu cầu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các diễn đàn giao thương kết hợp hội chợ thương mại quốc tế CLV hằng năm luân phiên tại mỗi quốc gia với sự tham gia của doanh nhân, nhà đầu tư ba nước và các nước trong khu vực để giúp các doanh nhân, nhà đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác... Xây dựng hệ thống showroom bán và giới thiệu sản phẩm nổi bật của mỗi nước.
Cuối cùng cần nghiên cứu nâng cấp Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển CLV thành Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại giữa ba nước CLV. Phối hợp xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của ba nước; xây dựng cơ chế ưu đãi để kêu gọi đầu tư cho các công trình xây dựng đường giao thông, công trình hạ tầng thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu của 3 nước. Ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của ba nước tại khu vực cửa khẩu về giải quyết thủ tục hải quan, nhập cảnh, kiểm soát hàng hóa.
Bàn về xu hướng, thách thức và cơ hội ở nền kinh tế số Campuchia, ThS. Moeurng Chamroeun, Nghiên cứu viên, Campuchia cho hay: Thương mại điện tử ở Campuchia ngày nay có cả điểm mạnh và điểm yếu. Thương mại điện tử ở Campuchia rất độc đáo và linh hoạt. Chi phí vận hành và nhân công để kinh doanh trực tuyến thấp, hệ thống thanh toán và dịch vụ giao hàng thuận tiện, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, tư cách thành viên ASEAN và RCEP cũng sẽ mang lại lợi ích cho thương mại điện tử ở Campuchia. Thương mại điện tử hiện nay ở Campuchia còn có những thách thức như tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số thấp, thiếu niềm tin của người tiêu dùng, vấn đề vận chuyển và nguồn lực hạn chế. Suy cho cùng, với nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng và thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như thu nhập ngày càng tăng của người dân Campuchia, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và sự tăng trưởng kinh tế đang giúp Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, sẽ thúc đẩy các xu hướng mới và mở ra nhiều cơ hội cho ngành thương mại điện tử. Giải quyết các lỗ hổng và giảm thiểu các mối đe dọa liên quan đến cạnh tranh, xây dựng luật và quy định hỗ trợ thương mại điện tử là điều cần thiết để chiếm được lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như khai thác tiềm năng từ thương mại điện tử ở Campuchia trong thời đại toàn cầu hóa kỹ thuật số.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả khảo sát không chính thức về xu hướng mua sắm trực tuyến tại Campuchia, các chủ doanh nghiệp điện tử nên tập trung vào một số mặt hàng có nhu cầu cao như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm. Giá sản phẩm nên tập trung vào những sản phẩm có giá dưới 100 USD. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp có thể chiếm được thị phần sản phẩm trực tuyến tại địa phương với chi phí dưới 150 USD. Ngoài ra, để sản phẩm có thể tiếp cận được khách hàng và tăng doanh số bán hàng thì Facebook là sự lựa chọn tốt nhất trong số rất nhiều lựa chọn khác. Người bán nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc thanh toán hàng hóa bằng 2 cách: thanh toán hàng hóa tận nơi bằng tiền mặt (Cash on delivery) và thanh toán bằng dịch vụ ngân hàng di động, đặc biệt là thanh toán qua mã KHQR .
Bàn về xu hướng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Lào, ThS. Chanhsy Samavong, Trưởng phòng Phòng NC Tài chính Nhà nước, Viện NC Kinh tế Vĩ mô, Lào cho biết; Ngành công nghệ thông tin và truyền thông có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 15-20%/năm. Hầu hết thu nhập của các doanh nhân đến từ việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài để hỗ trợ hiện đại hóa các ngành.
Tuy nhiên, Lào còn đứng sau nhiều quốc gia về nhiều mặt kinh tế số. Lào còn thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, năng lực về kỹ thuật số; tiềm lực công nghệ còn hạn chế, chưa đến một nửa dân số đăng ký internet tốc độ cao trên di động; sử dụng tiền mặt thay thanh toán số còn là tiêu chuẩn của xã hội, lưu trữ văn bản bằng giấy trong các văn phòng Chính phủ vẫn chưa được số hóa. Chiến lược số hóa toàn Chính phủ chưa hoàn thành, khiến các hệ thống và quy trình còn mang tính riêng biệt. Đồng thời khung pháp lý và quy định cho nền kinh tế kỹ thuật số đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và an ninh thông tin.
Về tình hình, điều kiện kinh tế số cho thấy khả năng tiếp cận các dịch vụ internet chất lượng cao và giá cả phải chăng ở Lào vẫn còn hạn chế. Cho đến tháng 7/2022, tỷ lệ kết nối và sử dụng internet ở Lào mới chiếm 57,5% tổng dân số, trong khi Việt Nam là 86%. Khi so sánh chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index) có thể thấy Lào xếp thứ 159 trên 193 quốc gia vào năm 2022, trong khi Việt Nam xếp thứ 866. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và Internet tại nơi làm việc để tạo thuận lợi cho đầu tư cho thấy Lào vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
ThS. Chanhsy Samavong nhấn mạnh, Lào coi việc phát triển nền kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết, vì vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển để giải quyết các thách thức kinh tế. Vì vậy, phương hướng sau này cần tập trung phát triển như sau: Xây dựng và sửa đổi các chính sách-văn bản quy phạm pháp luật sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và kinh tế số trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội đúng đắn để tạo môi trường thuận lợi cho việc quản lý các hoạt động kinh doanh số, đặc biệt là chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử và quá trình chuyển đổi sang xã hội thông tin; Khuyến khích thảo luận rộng rãi và trao đổi kinh nghiệm với các nước láng giềng (như Việt Nam) nhằm hoàn thiện chiến lược và chương trình phát triển ICT quốc gia và cùng nghiên cứu để giải quyết các rủi ro trong phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục đích và mục tiêu của chính sách quốc gia…./..