Năm 2024, ngành dịch vụ  duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục

 

GRDP Thành phố năm 2024 ước tính đạt 1.178 nghìn tỷ đồng, tăng 7,17% so với năm trước. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này vẫn chưa quay lại được với xu hướng tăng trưởng của giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (2014-2019). Điều này phần nào phản ánh một hiện thực khách quan là kinh tế TP đang phải đối mặt với một thử thách kép là phục hồi sau đại dịch COVID-19 song song với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa.

Tăng trưởng GRDP chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ (tăng 7,7% so với năm trước) và công nghiệp (tăng 7,26% so với năm trước). Trong khi đó, khu vực xây dựng trong năm 2024 ước tính chỉ tăng trưởng 4,86% so với năm trước. Khu vực dịch vụ chiếm 65,7% trong GDRP, khu vực công nghiệp chiếm 17,9%, và khu vực xây dựng chiếm 3,5%. Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDRP (0,5%) và ước tính chỉ tăng 0,12% trong năm 2024 so với năm trước.

Không chỉ riêng trong năm 2024, ngành dịch vụ đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục kể từ sau đại dịch. Riêng đối với nhóm chín ngành dịch vụ trọng điểm (thương nghiệp bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội) đã gần như lấy lại được xu hướng tăng trưởng cao trước đại dịch.

Trong đó, hai ngành thương nghiệp bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi, chiếm 40,3% giá trị gia tăng của ngành dịch vụ. Điều này khẳng định vai trò trụ cột của hai ngành này trong lĩnh vực dịch vụ. Bốn ngành tiềm năng gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông; chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo đã vượt qua được xu hướng suy thoái trong giai đoạn đại dịch và duy trì được đà tăng trưởng cao liên tục trong một thập kỷ qua. Điều này phản ánh bốn ngành dịch vụ tiềm năng này của TP có tính cạnh tranh cao và có khả năng chống chịu tốt với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài.

Ngành công nghiệp và xây dựng của Thành phố hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề trong giai đoạn đại dịch. Ngành công nghiệp là đối tượng chính của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa. Do đó sẽ mất nhiều thời gian hơn để ngành công nghiệp có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao với mô hình sản xuất công nghệ cao và xanh hóa. Riêng ngành xây dựng vẫn chưa quay lại được với mức giá trị gia tăng đã đạt được vào năm 2019.

Sau đại dịch, cả hai ngành trang phục và da có xu hướng tiếp tục đà giảm sút, phản ánh một tín hiệu tích cực là Thành phố đang dần chuyển dịch ra khỏi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Ngành hóa dược cũng ghi nhận một xu hướng phục hồi nhanh, tiếp đến là ngành điện tử cũng ghi nhận một xu hướng phục hồi tương đối chậm nhưng khá ổn định. Cuối cùng là ngành cơ khí và ngành lương thực và thực phẩm vẫn chưa ghi nhận xu hướng phục hồi rõ ràng.

Trong 11 tháng năm 2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 59.235, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể là 31.699, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng trong 11 tháng đầu năm 2024 là 27.536, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 11 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký thành lập và bổ sung giảm 22,4%.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước chưa phục hồi mạnh cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và mức sinh lời của đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước được duy trì khá thấp, việc các doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng phản ánh tình hình nợ xấu đang gia tăng, dẫn đến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống.

Trong khi đó, khu vực bất động sản với nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn, dẫn đến rủi ro vốn chảy vào đầu cơ bất động sản thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đợt tăng giá vàng đột biến vừa qua lại phản ánh một lượng tiền lớn đang chảy vào hoạt động đầu cơ vàng.

Vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố cũng ghi nhận xu hướng phục hồi khiêm tốn. Do đó một phần lớn nguyên nhân phải đến từ việc mức sinh lời của đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, phản ánh thị trường đầu ra của hàng hóa chưa tăng trưởng ổn định hoặc chi phí đầu vào sản xuất vẫn còn cao. Nguyên nhân do các điểm tắc nghẽn đặc thù về cơ sở hạ tầng và chi phí lao động.

Triển vọng năm 2025 và thách thức trong kỷ nguyên mới đối với kinh tế Thành phố

 

Trong năm 2025 kinh tế Thành phố được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tiêu dùng của người dân ở Thành phố có xu hướng tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung cả nước và khách du lịch đang trong đà tăng trưởng tốt cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà hồi phục, đặc biệt là hai ngành trọng điểm là hóa dược và điện tử. Với những cơ chế và chính sách hỗ trợ mới, lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh hơn.

Tuy nhiên, Thành phố đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, cụ thể là thực hiện cuộc chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Thách thức đầu tiên là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi yếu tố then chốt trong việc phát triển các ngành dịch vụ giá trị cao là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp hay các công đoạn trong một chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao cũng đòi hỏi nguồn lao động kỹ thuật cao. Cùng với đó, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm thiểu chi phí và thời gian trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân cũng yêu cầu một đội ngũ nhân lực quản trị công chất lượng cao.

Khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao và tiền lương tăng trưởng chậm, người lao động chất lượng cao có xu hướng không chọn Thành phố làm điểm đến. Cơ sở hạ tầng vốn đã và đang phải chịu quá tải trong một thời gian dài bao gồm giao thông vận tải, nhà ở, bộ máy quản lý hành chính, y tế, giáo dục và các tiện nghi sống khác. Sự quá tải của cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt của người lao động còn cao. Điều này khiến cho Thành phố giảm khả năng thu hút vốn đầu tư và người lao động chất lượng cao.

Giải pháp của Thành phố không nên tập trung nguồn lực để định hướng phát triển mô hình sản xuất theo những mục tiêu cứng, cũng không nên liên tục thay đổi các mục tiêu để chạy theo các xu hướng mới của thế giới. Thay vào đó, Thành phố nên tập trung phân tích và xác định các ngành kinh tế mà Thành phố có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển trong xu hướng phát triển chung của thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, Thành phố cần phải thiết lập một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi để định hướng cho thị trường.

Trong đó, Thành phố cần phải tập trung xây dựng một cấu trúc nền tảng mà từ đó các ngành dịch vụ có thể đột phá năng suất và phát triển mạnh hơn nữa, bao gồm cơ sở hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành công nghiệp truyền thống của Thành phố là trang phục và da đang ngày càng thu hẹp. Điều này bảo chứng cho tính đúng đắn trong định hướng chuyển dịch từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa của Thành phố. Thành phố cần phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch này.

Ba ngành công nghiệp trọng điểm như: lương thực và thực phẩm, điện tử và cơ khí vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh. Do chi phí đầu vào sản xuất còn cao gây ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của vốn, đặc biệt là chi phí lao động do thiếu nguồn lao động chất lượng cao, khiến các doanh nghiệp có xu hướng không đầu tư chuyển đổi và nâng cấp mô hình sản xuất trên địa bàn Thành phố. Thành phố cần phải có những phân tích và đánh giá chi tiết hơn để có định hướng phù hợp cho ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh các ngành công nghiệp thâm dụng lao động hoặc các khâu sản xuất sử dụng nhiều lao động đang có xu hướng dịch chuyển về các địa phương trong khu vực, Thành phố cần phải tập trung nhanh chóng mở rộng liên kết vùng nhằm hình thành một mạng lưới chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.

Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi. Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo.

Đặc biệt, Thành phố cần phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thành phố cần phải tìm ra những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.

Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình tinh gọn bộ máy hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản./.

CM