Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhiều phần quà được trao đúng tay công nhân bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh họa: PV)

Ngay từ đầu năm, Liên đoàn Lao động Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã luôn có sự định hướng xây dựng kế hoạch giám sát, phân bổ cụ thể các nội dung giám sát, chọn đối tượng giám sát theo từng quý và đưa vào chương trình kế hoạch hằng năm của đơn vị để tổ chức triển khai đến toàn bộ hệ thống Công đoàn TP. Liên đoàn Lao động TP nắm bắt những thông tin phản ảnh của đoàn viên, người lao động trên trang thông tin điện tử, website của Liên đoàn, tình hình dư luận tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, các buổi tham gia trao đổi tọa đàm, hội thảo, các văn bản kết luận của đoàn giám sát… Từ đó, làm căn cứ đề xuất, lựa chọn cụ thể những nội dung, phạm vi, hình thức để xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp với tình thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động cũng như nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Để làm tốt công tác giám sát, hằng năm, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh chủ động thành lập từ 3 - 5 đoàn giám sát tại 10 - 15 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cơ cấu gồm các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng các Ban chuyên đề Liên đoàn Lao động TP làm Trưởng đoàn, để thực hiện giám sát vai trò của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc chỉ đạo các công đoàn cơ sở thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động như: Thỏa ước lao động tập thể, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca cho người lao động, công tác thi đua, khen thưởng...

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh xây dựng những nội dung giám sát theo kế hoạch được ký kết với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như: Giám sát vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; giám sát Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Quận, Huyện trong công tác tham mưu Ban Thường vụ Quận, Huyện uỷ chỉ đạo chính quyền ban hành các văn bản liên quan đến việc chấp hành pháp luật lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; ban hành văn bản tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ, xây dựng thoả ước, nội quy… qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp.

Điều quan trọng là chủ trì thành lập đoàn giám sát tại 2 đơn vị tổ chức đảng, với nội dung giám sát về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thủ Đức và Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu chế xuất và Công nghiệp TP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật lao động, thành lập công đoàn cơ sở và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Qua công tác giám sát các đơn vị có sự chủ động trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo đối với cơ sở đảng và các tổ chức Chính quyền, Đoàn thể, phát huy có hiệu quả vai trò của các Đảng ủy doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhờ đó, đoàn đã kịp thời chia sẻ những cách làm hiệu quả, sáng tạo của những nơi làm tốt và rút kinh nghiệm chung về những thiếu sót, hạn chế trong công tác tham mưu với cấp ủy.

Về hình thức phương pháp giám sát, ngay sau khi ban hành kế hoạch giám sát, phân công cán bộ lãnh đạo ban theo dõi xuyên suốt và chủ động tham mưu Thường trực ban hành quyết định thành lập tổ giám sát gồm các thành viên đại diện các ban chuyên đề có liên quan đến nội dung giám sát, tiến hành trao đổi và thông tin đến đơn vị, đối tượng được giám sát nêu rõ nội dung cần giám sát, thống nhất công tác chuẩn bị, thời gian địa điểm, đề nghị đơn vị được giám sát chuẩn bị báo cáo và các văn bản liên quan đến nội dung được đề nghị giám sát, sau đó tiến hành họp các thành viên đoàn giám sát có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thống nhất về phương pháp, cách thức giám sát, cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát cho từng thành viên và có phân công thành viên đoàn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm ghi chép biên bản, soạn thảo, ban hành thông báo kết luận gửi cho đơn vị, cá nhân được giám sát, đồng thời mở sổ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện sau kết luận giám sát.

Ngoài việc thành lập đoàn giám sát, Liên đoàn còn tổ chức góp ý vào các dự thảo luật, nghị định liên quan; triển khai thực hiện các hình thức giám sát thông qua các buổi toạ đàm, hội nghị, gặp gỡ đối thoại hằng năm giữa Ban Thường vụ Thành uỷ, Ban Dân vận với cấp uỷ các quận, huyện cấp trên tương đương trao đổi về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP; Hội nghị Thường trực Thành uỷ giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó phân công cán bộ theo dõi tổng hợp nội dung thông tin, trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị của các cấp uỷ đảng về tình hình trên địa bàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định tại doanh nghiệp, từ đó tham mưu các nội dung cần giám sát trong năm. Vì vậy đã phát huy có hiệu quả thực hiện hình thức giám sát trực tiếp với vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân về các nội dung, các ý kiến xuất phát từ hoạt động thực tiễn, có chọn lọc, phân tích, phản ánh đúng suy nghĩ, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động đối với những vấn đề được quan tâm.

Đặc biệt, được sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân được giám sát và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong đoàn giám sát. Phát huy có hiệu quả vai trò chủ động, chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát phù hợp với tình hình thực tế, lựa chọn những vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát.

Tuy nhiên, trong quá trình ban hành thông báo giám sát gửi đến các đơn vị, cá nhân về thời gian theo lịch làm việc đôi lúc có thay đổi, cả đơn vị giám sát và đơn vị, cá nhân được giám sát do công tác chuyên môn đột xuất, ảnh hưởng chung đến tiến độ kế hoạch đề ra; thông báo kết luận nhận xét, đánh giá, kiến nghị của đoàn sau hoạt động giám sát được chuyển gửi đến các đơn vị, cá nhân đôi lúc chưa được quan tâm phản hồi kết quả thực hiện theo nội dung tinh thần thông báo.

Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát cần phải có sự chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn ngay từ đầu năm, cần xác định các vấn đề phù hợp, thiết thực gắn với đời sống, việc làm của người lao động và xác định được nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát để tham mưu và tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền, đồng thời phải thường xuyên phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức quán triệt, định hướng để các cấp công đoàn nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác giám sát và phản biện xã hội, tăng cường tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Trước khi tiến hành hoạt động giám sát cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nội dung, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, cơ cấu các thành viên tham gia có chuyên môn, nghiệp vụ; cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, đôn đốc các ý kiến, kiến nghị trước, trong và sau đợt giám sát đối với đơn vị, cá nhân. Đồng thời, duy trì thường xuyên vai trò giám sát của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và người lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và người sử dụng lao động để từ đó xây dựng được mối quan hệ lao động hài hoà ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động tại các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội và hoạt động tổ dư luận xã hội của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, các khu nhà trọ, khu lưu trú, qua đó, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của đoàn viên công nhân viên chức lao động, đồng thời phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, tăng cường công tác đào tạo chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Kịp thời phát hiện biểu dương, khen thưởng khích lệ những tập thể, cá nhân có mô hình, cách làm hay, thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, có cơ chế bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát và phản biện xã hội./.

Chi Mai