Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định khoa học công nghệ (KHCN) nói chung và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói riêng là động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Nội dung ĐMST đã được Chính phủ lồng ghép vào công tác điều hành quản lý nhà nước.

Trên cơ sở đó, cơ chế, chính sách về KHCN và ĐMST đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng,  thời gian qua, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những thành công ban đầu đã được ghi nhận.Theo công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, sự cải thiện cũng thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với NIS (Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia), như tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, số lượng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hướng tới trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn.

 


Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Diễn đàn.


Tuy nhiên, theo  Thứ trưởng Trần Văn Tùng, so với tiềm năng phát triển của Việt Nam những kết quả trên là chưa đủ. Còn nhiều dư địa chính sách cần cải thiện, một số hạn chế như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng; việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm khoa học-công nghệ còn yếu; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới-sáng tạo còn lỏng lẻo.

Đây cũng chính là những nội dung mà các đại biểu tham gia Diễn đàn chiều nay đã phân tích, chia sẻ và làm rõ đồng thời có những giải pháp để phát huy hơn nữa những ứng dụng của  khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng đã trao đổi, thảo luận về chính sách, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Quản lý Khoa học và đào tạo (Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) cho rằng, doanh nghiệp cần căn cứ vào các định hướng ưu tiên phát triển KHCN và ĐMST xác định, xây dựng các định hướng phát triển của doanh nghiệp; qua đó liên kết có trọng tâm, trọng điểm với các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

V.Lê