Trường mầm non độc lập, tư thục cần nâng cao chất lượng dạy và học.

Minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, anh T.M, chủ trường mầm non tại  quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, cho rằng các trường mầm non tư thục phải tự cứu mình bằng cách nâng cao chất lượng chăm sóc và dạy dỗ, cải thiện sản phẩm. Cụ thể như cung cấp dịch vụ giữ trẻ vào thứ bảy, xây dựng chương trình học hấp dẫn hơn, tăng chất lượng làm quen tiếng Anh với GV nước ngoài, giữ sĩ số lớp vừa phải... để cạnh tranh hiệu quả với các trường khác.

Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education & Consulting, đơn vị chuyên về tư vấn cho các tổ chức giáo dục, phân tích hiện đang có sự chuyển dịch mô hình hoạt động của mầm non tư thục. Các trường lớn, ở các quận trung tâm cần chi phí lớn để vận hành (do chi phí thuê mặt bằng lớn), trong khi trẻ em ít, tuyển sinh khó khăn hơn. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ hơn như lớp mầm non (đảm bảo quy định của Thông tư 49 Bộ GD-ĐT) ở các quận, huyện có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao hơn như Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân, TP.Thủ Đức… thì vẫn đang hoạt động khá ổn, tuyển sinh đều. Chi phí vận hành của các đơn vị này sẽ thấp hơn các trường lớn.

"Tôi nhận thấy khi con ở trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thì xu hướng hiện nay của phụ huynh là muốn gửi con ở những cơ sở mầm non gần nhà, ngay trong khu dân cư, chung cư mình sinh sống để tiện đưa - đón đi học hằng ngày. Phụ huynh không đòi hỏi phải là trường mầm non lớn, nổi tiếng, mà chỉ cần những lớp mầm non đảm bảo quy định pháp luật, sạch sẽ, an toàn, sĩ số không quá đông, để các em được chăm chút kỹ lưỡng bởi các GV, người chăm sóc có chuyên môn, đạo đức tốt", cô Uyên Phương nói.

Với những nhà đầu tư mầm non mong mỏi và kỳ vọng được tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng chi phí lớn nhất hằng năm hiện nay để vận hành trường, lớp mầm non tư thục là chi phí thuê mặt bằng. "Rất mong các nhà đầu tư giáo dục khi mở trường/lớp được ưu đãi trong giá thuê đất, để được san sẻ trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này".

Chị N.P, một chủ đầu tư lĩnh vực giáo dục, cho biết quy trình thẩm định, cấp phép cho một lớp mầm non theo Thông tư 49 Bộ GD-ĐT đòi hỏi phức tạp, cần được các cơ quan, ban ngành địa phương hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể. Tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ sinh thấp, nhiều chủ đầu tư lĩnh vực giáo dục lo lắng vài năm tới tuyển sinh sẽ càng khó khăn hơn, vì vậy cần nghiên cứu, có những chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non tư thục tại TP Hồ Chí Minh.

Tiếp sức cho mầm non ngoài công lập

Báo cáo hồi tháng 7/ 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về thực trạng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn TP gửi lên Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho thấy, căn cứ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP Hồ Chí Minh về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã được triển khai, tiếp sức cho mầm non ngoài công lập.

Từ năm học 2021-2022 đến cuối năm học 2023-2024, có 37 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hưởng trợ cấp số tiền là 1.040.000.000 đồng; 15.735 trẻ được hưởng trợ cấp số tiền là 12.602.050.720 đồng; 492 GV được hưởng trợ cấp số tiền 2.622.400.000 đồng.

Một trường mầm non quốc tế trên địa bàn quận 3 phải đóng cửa vì không đủ nguồn lực duy trì.



Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, số lượng trẻ, GV và các cơ sở giáo dục mầm non độc lập được nhận hỗ trợ từ nghị quyết này chưa nhiều. Các lý do chính là không đảm bảo tiêu chuẩn 30% số trẻ trong nhóm/lớp là con công nhân; đội ngũ GV có trình độ trung học sư phạm mầm non, chưa đáp ứng chuẩn đào tạo…

Do đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất với Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều chỉnh giảm tiêu chí tỷ lệ trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hưởng chính sách tại cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ GV mầm non thuộc loại hình tư thục (từ 30% xuống 20%).

Đồng thời, để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh  cũng đề xuất cần ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư như: hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục... Cần có quy định không yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập…/..

 

An Nhiên