Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…
Thành phố tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, trong đó có tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế Thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Triển khai thực hiện Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số. Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và tài nguyên đất đai. Song song đó, xây dựng Thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố - thành phố Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho Thành phố và cả Vùng.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển và khu vực ven biển; khẩn trương triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đây là một hướng phát triển mới về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của Thành phố. Tiếp tục phát triển ngành xây dựng, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng mới các chung cư cũ, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam Thành phố, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Trong nhiệm kỳ này, Thành phố phấn đấu thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển Thành phố.
(Ảnh: K.V)
Theo ông Nguyễn Thành Phong, cụ thể 3 chương trình đột phá của Thành phố sẽ là Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố. Chương trình thể hiện sự chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý Thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Thành phố; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập Thành phố Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh. Khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân Thành phố tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố.
Cùng với đó là chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố. Thành phố sẽ tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.)
Tiếp đó là chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố. TTP Hồ Chí Minh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội)
Song song với đó là Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố. Chương trình này khẳng định sự đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển; chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỷ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của Thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai mạnh mẽ các nội dung nhằm giúp việc điều hành thuận lợi hơn, tháo gỡ những tồn tại trong phát triển. Những kết quả ban đầu đã được hình thành từ đề án, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, thúc đẩy thành phố
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, sau một thời gian triển khai, Thành phố đã đạt được một số kết quả của 4 trụ cột thuộc đề án, bao gồm xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội; thành lập Trung tâm an toàn thông tin.
Cùng với đó, Thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai chính quyền điện tử. Đây là “khung nền tảng”, làm cơ sở triển khai cho các đơn vị. Thực tế, một số sở, ngành, địa phương của thành phố đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển và định hướng của thành phố để ứng dụng vào thực tiễn.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay, từ việc triển khai trên, người dân Thành phố đã bắt đầu được hưởng các tiện ích mang lại. Các đơn vị đã cung cấp một số tiện ích cho người dân như: cảnh báo ngập, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình hình giao thông qua camera, đăng ký khám bệnh và tự tra cứu giá dịch vụ, giá thuốc tại một số bệnh viện… Điều này giúp người dân có được những trải nghiệm mới khi sử dụng các ứng dụng thông minh.
Chỉ với một màn hình trong phòng làm việc hoặc thiết bị di động được kết nối internet, quản lý của đơn vị có thể theo dõi, giám sát các hoạt động toàn khu vực, với những ứng dụng thông minh… Mô hình này được Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) triển khai khoảng một năm nay và mang lại hiệu quả trong quản lý và giá trị kinh tế. Đó là thành quả từ ứng dụng “Hệ thống giám sát điều hành Công viên Phần mềm Quang Trung”, được tích hợp từ nhiều phân hệ khác nhau trong nội khu.
Với hơn 20.000 người đang sinh sống, học tập, hiện QTSC được xem như một đơn vị hành chính thu nhỏ và là “mô hình mẫu” về đô thị thông minh của thành phố. Khu phần mềm này có đầy đủ yếu tố của một khu dân cư thu nhỏ với nhà ở, biệt thự, chung cư, nhà hàng, hệ thống các trường học, trạm y tế, cộng đồng doanh nghiệp, các trung tâm vui chơi, giải trí…
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Phần mềm Quang Trung, QTSC được xem như mô hình tiên phong, là phiên bản thử nghiệm cho đô thị thông minh và sẵn sàng chia sẻ với Tp. Hồ Chí Minh. Hi vọng hệ thống này có thể triển khai rộng rãi, chia sẻ với cộng đồng cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Tuy vậy, việc triển khai không đơn giản, mà phải trên nền tảng sẵn có về công nghệ và có đủ chuyên môn, năng lực vận hành hệ thống.
Từ năm 2015, Thành phố đã đưa các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào Chương trình kích cầu với mức hỗ trợ lãi suất mỗi dự án lên tới 100 tỷ đồng. Thành phố cũng đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào Đề án đô thị thông minh, điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai nghiên cứu xây dựng Chương trình “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025”.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh, một trong những trụ cột của đề án, đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống hơn 1.000 camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện. Hệ thống này có thể phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận diện loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự.
Với hệ thống camera này, những sự cố giao thông, thông tin ùn tắc giao thông được thông báo thường xuyên trên hệ thống, ứng dụng thông tin giao thông. Cũng trên nền bản đồ giao thông, các thông tin về những điểm ngập thường xuyên được cập nhật trên cổng thông tin Hệ thống thoát nước và ứng dụng UDI Maps… Những ứng dụng này giúp người dân có thể nắm bắt, lựa chọn các cung đường di chuyển thuận lợi hơn, tránh bị kẹt xe, ngập nước; giúp người dân chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra…
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành; tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ứng dụng công nghệ thông minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng là tạo điều kiện cho các bác sỹ tiếp cận kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới; giảm thiểu các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh. Điều này cũng giúp giảm các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện; bác sỹ tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với tuyến trên để hội chẩn, tư vấn.
Từ kết quả tích cực ban đầu, những tiện ích người dân bước đầu được thụ hưởng sẽ là tiền đề để TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai xây dựng đô thị thông minh. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đề án được kỳ vọng sẽ đem lại sự phát triển nhanh, bền vững và giải quyết những tồn tại của Thành phố hiện nay./.