Mục tiêu của Đề án là khai thác không gian bên ngoài thân xe buýt để tổ chức cho thuê quảng cáo, qua đó góp phần tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách thành phố; từng bước đổi mới diện mạo cho hệ thống xe buýt thành phố; nâng cao hình ảnh xe buýt (văn minh, hiện đại, tiện dụng, an toàn…) và khả năng nhận biết, tiếp cận sử dụng của người dân thành phố trong việc hưởng ứng tham gia đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt).

Thành phố đã cho thí điểm quảng cáo trên xe buýt có trợ giá đối với 1 số tuyến (Ảnh:Lê Quân)

Việc thực hiện quảng cáo trên xe buýt thuộc các tuyến có trợ giá và không trợ giá của Thành phố. Vị trí quảng cáo trên bề mặt của 2 bên vỏ thân xe buýt kể cả phần cửa xe và phần kính xe (trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt, không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe buýt). Diện tích quảng cáo không được quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt.

UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì Đề án, có trách nhiệm chỉ định một đơn vị có chức năng thuộc Sở trực tiếp thực hiện Đề án theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, đề xuất trình UBND Thành phố giải quyết kịp thời.

Được biết, trước đó, UBND TP.Hồ Chí Minh đã cho thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt có trợ giá thuộc 10 tuyến. Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố, trong đợt quảng cáo thí điểm, ngân sách Thành phố đã thu được 14,6 tỷ đồng, tăng 40% so với dự kiến. Việc thí điểm quảng cáo trên thân xe buýt không gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông như lo ngại. Theo tính toán, nếu quảng cáo cho khoảng 3.000 xe buýt đang hoạt động của Thành phố thì số tiền thu được khoảng 170 tỷ đồng/năm, góp phần giảm ngân sách trợ giá xe buýt (hàng năm ngân sách trợ giá xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng)./.

VL