|
|
TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn cán bộ trẻ, chát lượng cao. |
Hiện nay TP Hồ Chí Minh có dân số đông nhất cả nước, là top 20 thành phố đông dân nhất trên thế giới; số lượng dân số TP Hồ Chí Minh còn lớn hơn dân số của nhiều quốc gia; dân số của ở cấp quận, cấp xã, phường của TP Hồ Chí Minh cũng đông hơn so với các địa phương khác.
Cụ thể, theo Tổng điều tra dân số năm 2019, quận Bình Tân có 784.173 người bằng dân số hai tỉnh Bắc Kạn và Lai Châu. Hay, xã Vĩnh Lộc A có dân số 167.000 người là xã đông dân nhất TP Hồ Chí Minh, bằng một nửa dân số tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù có số lượng dân cư đông như vậy nhưng số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện hành của xã Vĩnh Lộc A chỉ được giao biên chế 36 người (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách); nghĩa là mỗi cán bộ xã phải “gánh” 4.569 người dân; trong khi Bắc Kạn được giao 1.489 biên chế, gấp hơn 41 lần15.
Qua các số liệu thống kê trên cho thấy sự bất cập rất lớn về việc bố trí số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã, phường hiện nay. Hệ quả là, cán bộ, công chức ở một số quận, xã, phường tại TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải công việc; họ phải làm việc quần quật đến quá giờ hành chính vẫn chưa hết việc, chưa được về nhà nghỉ ngơi; người dân, doanh nghiệp thì phải mòn mỏi chờ đợi, bức xúc vì luôn bị chậm trễ.
Để khắc phục sự bất cập đó, Nghị quyết 98 cho phép: “Ủy ban nhân dân huyện thuộc Thành phố có không quá 03 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có không quá 03 Phó Chủ tịch”.
Nghị quyết không chỉ cho phép TP Hồ Chí Minh được tăng số lượng cán bộ cấp huyện ở một số địa bàn có dân số đông; mà còn cho phép TP Hồ Chí Minh tự quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách tại các xã, phường, thị trấn có tính đặc thù. Theo đó, TP Hồ Chí Minh “Căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.”
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, chính sách trên sẽ giúp TP Hồ Chí Minh khắc phục, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập đặt ra trong việc bố trí số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính trên địa bàn hiện nay. Mặt khác, cơ chế, chính sách này được TP Hồ Chí Minh áp dụng cũng sẽ là cơ sở quan trọng để khắc phục sự cào bằng của một số cơ chế, chính sách đang áp dụng nhưng bộc lộ những bất cập khi chưa xem xét đến các yếu tố đặc thù như: diện tích rộng, đông dân, quá trình đô thị hóa nhanh…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh, bởi đây là một trong những thành phố có chi phí đắt đỏ hàng đầu của cả nước.
Thực tế, thời gian qua, nhất là sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19,với áp lực công việc lớn, chính sách tiền lương, tiền công chưa tương xứng với công sức của người lao động nên trong thời gian qua “Mỗi tháng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh nghỉ việc”. Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, một trong ba nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc đó chính là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa hợp lý.
|
|
Để thực hiện NQ 98, trong quá trình triển khai thực hiện rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh. |
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Nghị quyết 98 cho phép: “Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định”. Ngoài cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương, Nghị quyết 98 còn cho phép TP Hồ Chí Minh được “Quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn Thành phố, theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý”. Như vậy, với cơ chế, chính sách tiền lương được áp dụng từ khi có Nghị quyết 54 đến nay, tổng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tại TP Hồ Chí Minh đã được nâng lên rất đáng kể, phần nào đã tạo ra sự yên tâm, phấn khởi cho người lao động.
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, những cơ chế, chính sách Nghị quyết 98 ban cho TP Hồ Chí Minh thực hiện đa số là những nội dung, vấn đề rất mới mẻ, chưa có trong tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đó không chỉ giúp các nội dung của Nghị quyết 98 sớm đi vào cuộc sống; mà còn hóa giải được những khó khăn, thách thức đặt ra; để từ đó chủ động, linh hoạt, biến nguy thành cơ khi thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, cần có chính sách tuyên dương, ghi nhận những cán bộ, công chức, viên chức tổ chức có những sáng tạo, đóng góp có giá trị; đồng thời, có cơ chế xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy công việc… trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết./.