|
|
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM thông tin Khu đô thị ĐHQG-HCM. (Ảnh: Chi Mai) |
Đồ án quy hoạch phân khu ĐHQG-HCM được phê duyệt, cùng với quy hoạch Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và một số đồ án khác... đã góp phần hình thành bộ khung mới cho TP Hồ Chí Minh trong kỳ rà soát, lập và trình phê duyệt điều chỉnh “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060” và “Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ quan tâm chỉ đạo các Sở ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức phối hợp cùng Đại học Quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương để triển khai và cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG- HCM.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng, Khu đô thị ĐHQG-HCM được xây dựng theo một mô hình đô thị khoa học hiện đại, nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) – thành phố Dĩ An (Bình Dương), tại vị trí thuận lợi, ngay cửa ngõ Đông Bắc thành phố TP Hồ Chí Minh, gần Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tiếp giáp nhiều khu công nghiệp lớn của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Diện tích toàn khu là 643,7ha bao gồm các khu: trung tâm điều hành, trung tâm dịch vụ công cộng, các trường đại học thành viên, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục quốc phòng, trung tâm thể dục thể thao, ký túc xá sinh viên, nhà công vụ, công viên khoa học.
ĐHQG-HCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Do đó, việc phát triển cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên, giảng viên và cán bộ ĐHQG-HCM là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các dự án khu đô thị chưa hoàn thành do các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ nhu cầu này, năm 2019, ĐHQG-HCM đã thực hiện Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM, phù hợp với quy hoạch đô thị của hai địa bàn giáp ranh là thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
|
|
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng trao Bản Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM . (Ảnh: Chi Mai) |
Trong quá trình triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, ĐHQG-HCM gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã làm kéo dài thời gian triển khai đồ án hơn 01 năm, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư ĐHQG-HCM chưa thể thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động ĐHQG-HCM, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ, sự chỉ đạo sâu sát của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hồ Chí Minh, tình Bình Dương và các đơn vị liên quan, ngày 03/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM.
Một số điều chỉnh quan trọng trong quy hoạch lần này là: Bổ sung khu tái định cư 10,03ha trên địa bàn phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức để tổ chức tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch ĐHQG-HCM thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh; tăng chỉ tiêu diện tích sàn trên sinh viên theo quy hoạch năm 2014 từ 15-18m2 sàn/sinh viên lên thành 20m2 sàn/sinh viên; cập nhật hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường, công trình trong khu đô thị,....
Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ĐHQG-HCM,như: giúp ĐHQG-HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bố trí tái định cư để ĐHQG-HCM sớm có quỹ đất thực hiện các dự án; giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý triển khai đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất thuộc Khu đô thị ĐHQG-HCM nói chung và công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển của ĐHQG-HCM nói riêng.
Ngoài ra, việc nâng cao các chỉ tiêu diện tích sàn/sinh viên và điều chỉnh các hệ số trong quy hoạch tạo cơ sở, điều kiện để ĐHQG-HCM triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo chuẩn mới, quy mô mới, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất để phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á như nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao phó.
|
|
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng trao quyết định Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM.(Ảnh: Chi Mai) |
Ông Trần Hoàng Quân giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, ĐHQG-HCM được xác định là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ da ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á. Đến năm 2030, quy mô đào tạo dự kiến tại khu quy hoạch ĐHQG-HCM là 65.000 sinh viên.
Với tầm nhìn của quy hoạch, Khu Đô thị ĐHQG-HCM trong tương lại sẽ trở thành không gian đa chức năng gồm: Khu đào tạo, học tập; Khu diều hành, dịch vụ công cộng; Khu viện nghiên cứu; Khu Công nghệ Phần mềm; Trung tâm Thể dục Thể thao; Khu Nhà công vụ, Khu KTX sinh viên; Khu tái định cư;... Trong đó, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Công nghệ Giáo dục được kỳ vọng là nơi quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết công tác quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được triển khai ngay sau khi thành lập và được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu giảng dạy, đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Tính đến nay, các quy hoạch được điều chỉnh qua 5 lần, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, trong lần này, khu ĐHQG-HCM đã được điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./..