Trong báo cáo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, được Sở Giao thông vận tải Thành phố gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có nêu rõ, định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa trong giai đoạn sắp tới là tập trung đầu tư các tuyến giao thông đường thủy kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái, từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hai tuyến vành đai.
Bên cạnh đó, để chủ động trong việc phát triển vận tải hàng hóa, hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bảo trì đường thủy nội địa, xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên bờ sông
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM, giai đoạn 2020 - 2030, Thành phố dự kiến triển khai 123 dự án trong lĩnh vực giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 41.574 tỷ đồng. Không chỉ đầu tư 5 dự án cảng đường thủy nội địa phục vụ phát triển trung tâm logistics, 20 bến thủy nội địa, 51 dự án bảo đảm tĩnh không các cầu trên các tuyến thủy nội địa, TP Hồ Chí Minh còn đầu tư các tuyến liên kết nội thành vùng ven, liên kết đến các cảng và các tuyến khách liên tỉnh đi Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Biên Hòa…Các tuyến liên tỉnh có khả năng nối kết TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong toàn khu vực phía Nam, nối kết liên vùng, chắp nối miền Trung, miền Bắc và giao lưu quốc tế.
Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông đường thủy còn thấp, chủ yếu tập trung vào đường bộ trong khi đường thủy nội địa là phương thức vận tải có chi phí thấp nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường thủy đã xuống cấp do bồi lắng và cạn. Một số tuyến có các cầu bắc qua với tĩnh không thấp hoặc chướng ngại vật đã làm cản trở phương tiện thủy lưu thông như cầu Rạch Dơi trên tuyến Rạch Dơi - sông Kinh, tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Giồng Ông Tố...
Hệ thống đường thủy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rất đa dạng. (Ảnh: K.V)
Về hệ thống cảng, bến thủy nội địa đa số kết cấu tạm, có năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ thiết bị bốc xếp còn thủ công. Đồng thời, do dự án quy hoạch đang tạm ngưng nên hoạt động của các bến thủy nội địa hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời. Vì vậy, các chủ bến, chủ khai thác bến chưa mạnh dạn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị xếp dỡ... dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của mạng lưới giao thông đường thủy TP Hồ Chí Minh.
Để thúc đẩy tiềm năng phát triển của hệ thống giao thông thủy, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển. Cụ thể là đầu tư các tuyến liên kết khu Đông Thành phố kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai; đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.
Đồng thời, xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km với tổng kinh phí khoảng 4.794 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được Thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) mới theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức logistics, xây dựng cảng cạn - ICD Long Bình tại phường Long Bình (quận 9) nhằm phục vụ di dời cụm ICD Trường Thọ, phát triển các trung tâm logistics hạng 1 cấp quốc gia và quốc tế có vị trí vai trò là trung tâm gốc...
Được biết, trong Báo cáo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có nêu rõ, định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa trong giai đoạn sắp tới là tập trung đầu tư các tuyến giao thông đường thủy kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái, từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hai tuyến vành đai.
Bên cạnh đó, để chủ động trong việc phát triển vận tải hàng hóa, hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bảo trì đường thủy nội địa, xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên bờ sông./..