|
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: CM) |
Ngày 30/9, trong khuôn khổ chương trình công bố thành lập Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả, Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực hạ tầng giao thông” nhằm giải đáp bài toán về nguồn nhân lực cho ngành hạ tầng giao thông.
Tham gia tọa đàm có các diễn giả gồm TS. Nguyễn Xuân Cường - Cục Trưởng Cục đường bộ Việt Nam Bộ Giao thông vận tải; PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI); Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả; PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cùng các đại biểu là Bộ, Ngành Trung ương, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và giảng viên, sinh viên trường.
Tọa đàm cũng xoay quanh các câu hỏi về những tồn tại, bất cập trong việc quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ góc độ nhà nước; ngành giao thông đã có sự chuẩn bị thế nào về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực sau khi cao tốc Bắc Nam hoàn thành; chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác về đào tạo với các trường đại học…
Theo TS. Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam: Chính phủ đã xác định rõ phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba trụ cột chính để phát triển nền kinh tế quốc gia. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000km, và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2035. Bởi nguồn việc trong giai đoạn này dự báo là rất lớn, và theo đó đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực của xã hội, đặc biệt là cần nguồn nhân lực vô cùng lớn về số lượng, lẫn chất lượng cao mới có thể đáp ứng được mục tiêu này.
Về nhu cầu nguồn nhân lực hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, Đèo Cả luôn theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là đầu tư, thi công hạ tầng giao thông. Sát với định hướng, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của Chính phủ. Với khối lượng công việc dự báo rất lớn như vậy, thì nhu cầu nguồn nhân lực cho Tập đoàn cũng rất cao. Riêng năm 2023, Đèo Cả đã có kế hoạch tuyền dụng mời khoảng 2.300 nhân sự. Kế hoạch nhân sự tuyển dụng mới dự báo tăng trưởng qua các năm khoảng 20% so với năm trước.
Trước nhu cầu rất lớn về nhân lực hạ tầng giao thông vận tải cho Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và TP Hồ Chí Minh cũng như đất nước nói chung, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh trao đổi với các đại biểu những giải pháp và định hướng cho việc đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, sự kiện thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường và chuyển giao công nghệ trong tương lai, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải...
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã đưa ra một số kiến nghị về thực trạng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được cả về mặt số lượng và chất lượng như: Mô hình Đèo Cả với các công trình đột phá về công nghệ, khoa học tổ chức lao động, văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo sự thay đổi nhận thức về nghề nghiệp…; đổi mới triệt để chính sách về trả công cho người lao động; Cần có cách làm để khuyến khích áp dụng công nghệ đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay (robot, trí tuệ nhân tạo…) tạo năng suất lao động cao trong xây dựng kết cấu.
Trong bối cảnh nhu cầu về đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đã và đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng đối với cho sự thành công. Đặc biệt, sự ra mắt của Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả kỳ vọng sẽ dần trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ về giao thông vận tải có uy tín ở trong nước và khu vực; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường và chuyển giao công nghệ trong tương lai, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải./.