Thời gian qua, Huyện ủy huyện Củ Chi thường xuyên quan tâm chỉ đạo Hội Nông dân huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện và các ngành có liên quan trong công tác củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều hội nghị giữa người sản xuất và các hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị thương mại và các đơn vị trực tiếp tiêu thụ nông sản để liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Đồng thời, Huyện ủy huyện Củ Chi đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Mặt khác, nhờ chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã có tác động nhiều mặt và trực tiếp đến việc củng cố, đổi mới, phát triển hợp tác xã, bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và hộ nông dân về vai trò của hợp tác xã trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Song song đó, một số cơ chế, chính sách của Thành phố như chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại hợp tác xã, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất cho hợp tác xã nông nghiệp được ban hành và thực hiện, đã có tác động rất tốt đến việc đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội huyện được quán triệt một cách sâu sắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp thành lập và phát triển.
Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất kinh doanh với nhau để cung cấp sản phẩm cho các hợp tác xã, đóng vai trò làm đầu mối ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, góp phần giúp thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hiện nay, huyện có các đơn vị như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả; có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là động lực khuyến khích, thúc đẩy các Hợp tác xã phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Một số hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã có xu hướng chuyển dần từ hình thức chỉ tổ chức sản xuất hoặc chỉ tiêu thụ sản phẩm sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất cho các thành viên. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, phù hợp với tính chất đặc thù của nông nghiệp đô thị Thành phố.
Sự ra đời và đi vào hoạt động của nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đã góp phần nâng cao nhận thức của hộ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ nông dân trở thành đối tượng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, giá sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực còn tồn tại một số hạn chế như: nguồn nhân lực hợp tác xã nói riêng và kinh tế tập thể nói chung tại các xã, thị trấn chưa nhạy bén mở rộng thị trường, trình độ, năng lực quản trị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của các hợp tác xã do nguồn lực hỗ trợ cho sự phát của hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thiết thực… Việc tiếp cận từ các tổ chức tín dụng đa phần là phải thế chấp tài sản trong khi hợp
Quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều hợp tác xã còn nhỏ, cơ sở hạ tầng (văn phòng làm việc, giao dịch, khu vực nhà xưởng, sơ chế, chế biến…) còn hạn chế, chưa đủ khả năng hình thành chuỗi trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, giá thành sản xuất vẫn còn cao, năng lực cạnh tranh của các hợp tác xã chưa mạnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của các hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế, thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của hợp tác xã, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển hợp tác xã kiểu mới.
Công tác dự báo thị trường vật tư nông nghiệp, nông sản chưa được thông tin rộng rãi và chưa hiệu quả, dẫn đến còn dư thừa sản phẩm trong việc sản xuất của hội viên nông dân. Giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đầu vào có tăng cao, làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất sản phẩm; giá cả hàng hóa còn phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Các hộ hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tính liên kết chưa cao, qui mô sản xuất trang trại chưa phát triển, chưa liên kết sâu với doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Để phát triển kinh tế tập thể tốt, đại diện lãnh đạo huyện ủy huyện Củ Chi đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn huyện.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, vân động và tổ chức xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại địa phương. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ba là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Kinh tế tập thể huyện, định hướng, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể hoạt động ngày càng hiệu quả. Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức giao ban, gặp gỡ, đối thoại với các hợp tác xã trên địa bàn để đánh giá tình hình, thực trạng hoạt động của các hợp tác xã, kịp thời đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nhằm giúp các hợp tác xã trên địa bàn ngày càng phát triển.
Bốn là, góp ý và triển khai sâu rộng các chính sách của Trung ương, Thành phố như chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất cho hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng logo, thương hiệu... cho các sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác; đăng ký sản phẩm đặc trưng “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP.
Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép, chính sách thuế so với quy định, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ hợp tác xã về vay vốn, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, thu hút cán bộ trình độ đại học, cao đẳng…/..