Hình ảnh ông Dương văn Ty (tức Đinh Xuân Nhạ,Trần Quý Kiên) Bí thư thành ủy Hà Nội – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trong hồ sơ Nhà tù Hỏa Lò 12/1940
Đường Trần Quý Kiên là một trong số 224 tuyến đường ở 13 quận, huyện trên địa bàn nằm trong nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đặt tên cho các tuyến đường được các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 23.
Đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965) quê tại thôn Thượng Vũ, xã Nguyễn Huệ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (cũ). Khi hoạt động cách mạng ông sử dụng các tên như Đinh Xuân Nhạ, Dương Văn Ty. Ông thuộc lớp đảng viên được kết nạp ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ông vào Đảng tháng 5/1930) hoạt động cùng thời với những nhà cách mạng kỳ cựu như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Trường Chinh… Nhiều lần ông bị giặc Pháp bắt và giam giữ tại những nhà tù khét tiếng thời bấy giờ như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La…
Năm 1933, Quan cai trị Công sứ tỉnh Sơn La lập danh sách 22 tù chính trị không được ân xá bao gồm Trần Quý Kiên, Lê Duẩn, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) Khuất Duy Tiến, Đặng Hữu Rạng… Chánh giám ngục Nhà tù Sơn La nhận xét, đây là những người có hạnh kiểm “bình thường” hoặc “xấu”. Thậm chí trong phiếu nhận dạng của mỗi tù nhân, viên quan này còn nêu rõ đây là những “phần tử nguy hiểm”, “là kẻ cầm đầu phong trào phản loạn”, “đích thực là cộng sản”, “là kẻ cầm đầu tại nhà tù”…
Ông được trả tự do vào tháng 7/1936, ba tháng sau Hội nghị thành lập “Ủy ban sáng kiến” nhóm họp tại Gia Lâm (Hà Nội) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì, Trần Quý Kiên tham gia vào ban cán sự của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được tái lập, đồng chí được cử vào Xứ ủy và Thành ủy. Cuối năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trần Quý Kiên bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai vào 6/1940 trong một lần đi công tác và bị giam giữ tại một số nhà tù tại Bắc Giang, Sơn La… Tháng 3/1945 ông vượt ngục cùng các đồng chí khác và về làm bí thư chiến khu Quang Trung. Ông cùng với đồng chí Văn Tiến Dũng và cáng bộ đảng viên lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền tại ba tỉnh Hòa Bình, Ninh bình, Thanh hóa.
Cuối năm 1950 đồng chí Trần Quý Kiên giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng các cơ quan Trung ương đồng thời tham gia vào chính phủ với tư cách Thứ trưởng Phó Văn phòng Thủ tướng phủ, sau đó ông được giao kiêm nhiệm thêm chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Năm 1953 ông được giao trọng trách thay mặt Chủ tịch nước và Thủ tướng đi điều tra sửa sai trong công tác cải cách ruộng đất tại tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1958 Trần Quý Kiên nhận trách nhiệm Bí thư Đảng Đoàn Thứ trưởng thứ nhất bộ Thủy Lợi và điện lực.
Năm 1965 ông bị bệnh và mất tại Hà Nội. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Tên của ông cũng đã được đặt cho một con phố tại quận Cầu Giấy, Hà Nội./..