Ảnh minh họa: CM

Kế hoạch nhằm mục tiêu tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn TP phải là thực phẩm an toàn. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và hành động của các sở, ban, ngành TP đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xem công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chất lượng giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững của TP. Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chương trình hành động số 33 phù hợp với tình hình thực tiễn của sở, ban, ngành TP đến TP Thủ Đức quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và các văn bản liên quan.

Theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành TP đến TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP.

Các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chương trình hành động số 33; đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, người dân về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động số 33 và các văn bản liên quan.

Hai là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc. Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

 

Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ba là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bốn là xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm: Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiêu cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.

Năm là hoàn thiện cơ quan quản lý An toàn thực phẩm một đầu mối trên địa bàn TP: Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhả nước về an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, đào tạo trong nước và quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này.

Sáu là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP: Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã TP, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm./.

CM