Hội nghị kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm tại Hội Nông dân TP Thủ Đức. (Ảnh: PV)

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như: Chương trình số 02-CTr/HNDT về kiểm tra, giám sát, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền năm 2023; Kế hoạch số 32-KH/HNDT và tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”; quán triệt Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Kế hoạch số 54-KH/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Thành phố góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới...

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã tham mưu tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên nông dân với chủ đề: “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”; Qua hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố ghi nhận được 30 kiến nghị gửi đến các sở, ngành Thành phố. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp đã tham mưu tổ chức thành công 98 hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ghi nhận có 601 ý kiến, phản ánh, đề xuất kiến nghị của hội viên, nông dân.

Đáng chú ý, Hội Nông dân các cấp vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp hơn 2.536 ý kiến đóng góp cho 71 văn bản dự thảo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ngành Thành phố; phối hợp kiểm tra, giám sát các nội dung có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, lấy ý kiến trực tuyến hơn 1.522 lượt góp ý cụ thể vào 33 Điều quy định tại Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có liên quan đến nông nghiệp; có 14 lượt ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý trực tiếp tại hội nghị với 52 nội dung được góp ý.

Ngoài ra, thông qua công tác giám sát thực hiện Chương trình hành động số 28-CTrHĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đưa ra 02 đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ Thành ủy, 04 kiến nghị đề xuất với UBND Thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng đối với việc quản lý, quy hoạch, thu hồi đất nông nghiệp; quy hoạch vùng nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp; cơ chế chính sách cho Chi hội trưởng Nông dân có vai trò trung tâm trong việc xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sắp xếp khu phố - ấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Còn một vài đơn vị nội dung góp ý chưa sâu, còn mang tính chung chung, chưa mạnh dạn đưa ra những vấn đề cụ thể, hình thức góp ý còn mang tính phối hợp tổ chức, số lượng ý kiến góp ý chưa nhiều; một vài đơn vị Hội Nông dân còn nể nang, chậm tổ chức giám sát cấp ủy, chính quyền trong việc giải quyết các kiến nghị của hội viên, nông dân sau tiếp xúc, đối thoại; một số hội viên nông dân lớn tuổi nên khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ thông tin mới nên Hội Nông dân các cấp vẫn phải triển khai lấy ý kiến góp ý theo hình thức truyền thống.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên.

Mặt khác, công tác tuyên truyền phải không ngừng đổi mới phù hợp với tình hình hiện nay. Trọng tâm là đổi mới cả về nội dung hình thức, cập nhật kịp thời tin tức, bài viết tuyên truyền trên trang fanpage của Hội, thực hiện chuyên mục “Diễn đàn nông dân”, chương trình “Nông nghiệp hiện đại - Nông thôn văn minh”, tổ chức triển lãm ảnh... nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền, cập nhật các chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hội viên, nông dân.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến hội viên, nông dân, đảm bảo việc lấy ý kiến được rộng rãi trong toàn hệ thống hội, đảm bảo tiết kiệm thời gian, kinh phí thực hiện.

Đẩy mạnh công tác vận động, tạo được sự đồng thuận của nông dân nhất là những người có kiến thức, am hiểu về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy được vai trò của các cán bộ về hưu, cán bộ Hội qua các thời kỳ, cựu cán bộ Hội có nhiều kinh nghiệm để trao đổi, đề xuất, kiến nghị, góp ý cùng cấp ủy, chính quyền các cấp về các vấn đề liên quan đến địa phương.

Các cấp Hội tham mưu cấp ủy tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; định kỳ giới thiệu cách làm hay, tiêu biểu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện, tổng hợp, đánh giá kết quả, hiệu quả của công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền./.

CM