Theo đánh giá ban đầu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khả năng cao bánh su kem là loại thực phẩm gây ngộ độc trong tiệc trung thu ở TP Thủ Đức. (nguồn:VTV)
Chiều tối 29/9, Ban Quản lý chung cư Palm Heights (ở phường An Phú, TP Thủ Đức) tổ chức tiệc Trung thu cho các cháu nhỏ là cư dân sinh sống tại chung cư. Đến chiều 30/9, một bé gái đã ăn bánh tại buổi tiệc trên xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy và đến ngày 1/10, bệnh nhi qua đời. Sau đó, các bệnh viện ghi nhận nhiều người ở chung cư trên cũng nhập viện với các triệu chứng nôn ói, sốt, tiêu chảy…
Trước sự việc trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp khẩn với các chuyên gia để phân tích, làm rõ nguyên nhân của vụ việc trên.
Tại buổi họp, các chuyên gia khẳng định đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo...).
Về loại thực phẩm gây ra ngộ độc, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc trung thu). Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn. Tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).
Sở Y tế cho biết đáng lưu ý có trường hợp không dự tiệc trung thu tại chung cư trên nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó. Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xử lý.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, ngày 4/10, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có công văn gửi các sở ngành, các quận, huyện, TP Thủ Đức về tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức. Đồng thời, tập trung các biện pháp ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn Thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.
Cùng với đó, UBND TP Thủ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở phạm vi địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm./..