(Ảnh: K.V)

Cùng với đó là 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên 40%.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phấn đấu 80% người dân áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày, Thành phố cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và giải quyết điểm nóng về môi trường; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường; Thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt quy chuẩn môi trường; Thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, xây dựng và hoàn thiện Khu xử lý chất thải rắn; Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch trên, có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các quyết định đã được phê duyệt…Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, tránh trường hợp đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, hoàn thành Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/2000 các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện rà soát, đề xuất địa điểm các cụm công nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phục vụ cho chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không phù hợp quy hoạch và các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Đôn đốc việc xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm di dời vào cụm công nghiệp…

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ mời gọi, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng đúng tiến độ các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo quy hoạch của thành phố… Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý nước thải đô thị theo công nghệ hiện đại (kể cả cải tạo các khu xử lý nước thải đang thực hiện) với phương châm công khai, minh bạch...

Được biết, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 đề ra 4 nhóm mục tiêu với 16 chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, có 54 chương trình, đề án, dự án được triển khai nhằm đạt được mục tiêu tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng Thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững. Kết quả, đến quý 3/2020, 37/54 chương trình, đề án, dự án hoàn thành (đạt tỷ lệ 68%); 17/54 chương trình, đề án, dự án đang thực hiện (chủ yếu về xử lý nước thải, đề án quy hoạch và các dự án về bồi thường giải phóng mặt bằng).

Trong đó, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 100 % số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch…

Một trong những kết quả nổi bật nhất của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường là công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, không xả rác ra đường và kênh rạch đã được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố. Qua đó, người dân thành phố đã quan tâm phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, hình thành thói quen tiêu dùng xanh. Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều điểm “đen” về ô nhiễm rác thải đã được các địa phương xử lý dứt điểm, trong đó nhiều điểm đã được cải tạo thành vườn hoa, công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã thông qua chỉ tiêu đến năm 2025, Thành phố đạt tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030: đạt 100%); đồng thời, tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%. Mặc dù, Nghị quyết không tách Chương trình giảm ô nhiễm môi trường là Chương trình trọng điểm riêng cho giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố vẫn xác định Chương trình sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai với những mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Theo đó, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát huy kết quả tích cực đạt được trong việc triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường các giai đoạn từ 2011 -2020; đồng thời, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn được xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất, Thành phố sẽ tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp thứ 2, TP Hồ Chí Minh hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Nhóm giải pháp thứ 3, Thành phố sẽ nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp thứ 4, Thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhóm giải pháp thứ 5, Thành phố sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu./..