Các đại biểu tham dự Kỳ họp. (Ảnh: Việt Dũng)

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế

Các đại biểu đã đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Du lịch Thành phố xoanh quanh nội dung về những giải pháp để du lịch Thành phố phát triển bền vững, khai thác hiệu quả các lợi thế của mình để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, trên cơ sở khảo sát du khách và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch Thành phố đã xác định được 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông. Ngành du lịch cũng tiến hành xúc tiến quảng bá du lịch Thành phố, như quảng bá thương hiệu Thành phố và các khu vực vùng ngoại thành. Công tác xúc tiến du lịch cũng đi cùng với nghiên cứu thị trường để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm.

Trong công tác quảng bá cũng xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.

Về công tác phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch có 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Trong đó có, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố. Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.


 Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa trả lời chất vấn. (Ảnh: Việt Dũng)

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết, hiện nay, ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm. Hiện nay các địa phương, nhất là quận 1 và quận 3 đang tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ về đêm gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm. Trong chức năng của mình, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát các quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch quốc tế tăng 306% so cùng kỳ (nhưng chỉ bằng 50% so với năm 2019); thu hút hơn 16 triệu khách nội địa, (tăng 48%), doanh thu đạt hơn 48.000 tỷ đồng.

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông để giảm ùn tắc

Đối với chất vấn  Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Trần Quang Lâm, các đại biểu cũng đặt ra nhiều nội dung trong đó, tập trung vào vấn đề quy hoạch giao thông của Thành phố; tiến độ và hiệu quả thực hiện các công trình giao thông trọng điểm; mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), làm gì để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông? Một số câu hỏi về vụ việc cụ thể tại từng địa phương cũng như việc vận hành Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong thời gian tới…

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm thừa nhận việc thực hiện quy hoạch của TP Hồ Chí Minh chậm. Theo ông Lâm, để thực hiện quy hoạch phải triển khai dự án, phải có nguồn lực và thời gian. Vừa rồi, Thành phố đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận định, nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng khá mới mẻ nên việc triển khai quy hoạch cũng bị chậm. Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. Ở đây, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm.


 Giám đốc Sở GTVT Thành phố Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: Việt Dũng)

Ông Lâm cho biết, Thành phố cũng nhận định phải có giải pháp về thể chế để khắc phục những khó khăn trên. Tại Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực nên hi vọng khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh. Trong thời gian tới, Thành phố cũng sẽ thúc đẩy phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3…

Đối với vấn đề ùn tắc giao thông, ông Lâm cho biết, Sở đang tham mưu UBND Thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, về căn cơ và lâu dài thì phải phát triển các tuyến metro. Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải Thành phố đang tổ chức đánh giá để tái cấu trúc lại mạng lưới xe buýt, hướng đến phát triển phương tiện sử dụng phương tiện sạch. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu các phương án đảm bảo việc lưu thông các tuyến xe buýt an toàn, giảm ùn tắc giao thông; nghiên cứu phát triển vé xe buýt điện tử…/.

 

V.Lê