Xét xử một vụ án liên quan đến tham nhũng. (Ảnh: Quang Quý)

Giai đoạn 2021 – 2023, Cơ quan điều tra Công an thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết điều tra 208 vụ án/512 bị can, xử lý 419 vụ việc về kinh tế tham nhũng… với tổng số tài sản bị thất thoát chiếm đoạt gần 2.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã thu hồi 1.260 tỷ đồng, đạt 63,2%. Trong đó, vụ án sai phạm tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã thu hồi được khoảng 44 tỷ đồng và 120.000 USD, tỷ lệ thu hồi vụ án đạt 92%. Tương tự, vụ án xảy ra tại Công ty Tân Thuận liên quan đến dự án khu đô thị Phước Kiển (huyện Nhà Bè), cơ quan điều tra đã truy vết, thu giữ và phong tỏa khối lượng lớn tài sản để bảo đảm việc khắc phục hậu quả là 288 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, (gồm có 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất). Kết quả, các sai phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, thuộc các lĩnh vực như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số lĩnh vực khác. 

Theo đó, năm 2021, số tiền đã thu hồi là 10.674.596.664 đồng/tổng số tiền phải thu 22.134.854.453 đồng (đạt tỷ lệ 48,22%) và 104,36m2 đất; năm 2022, số tiền đã thu hồi là 37.205.610.000 đồng/tổng số tiền phải thu 42.384.510.000 đồng (đạt tỷ lệ 87,78%) và 183 m2 đất; năm 2023, số tiền đã thu hồi là 20.407.020.000 đồng/tổng số tiền phải thu 25.942.650.000 đồng (đạt tỷ lệ 78,66%) và 183m2 đất; 06 tháng đầu năm 2024, số tiền đã thu hồi là 27.999,54 triệu đồng/27.999,54 triệu đồng phải thu trong kỳ (đạt tỷ lệ 100%) và 26.684 m2 đất/29.345,8 m2 đất phải xử lý khác (đạt tỷ lệ 90,9%).

Để thực hiện tốt công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra TP đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể như Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra TP được Ủy ban nhân dân TP phê duyệt tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực: Quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những hành vi lợi dụng chủ trương, chính sách về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế để tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, kịp thời phát hiện và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát.

Cùng với đó, Lãnh đạo thanh tra TP thực hiện thường xuyên việc lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát toàn bộ thời gian diễn ra cuộc thanh tra, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, tiến độ theo quy định pháp luật. Các kết luận thanh tra khi ban hành đạt chất lượng hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị. Qua đó, kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách; thu hồi triệt để tiền, tài sản liên quan đến sai phạm...

Đặc biệt, trong quá trình tiến hành thanh tra, khi phát hiện sai phạm, Trưởng Đoàn thanh tra sẽ báo cáo Chánh Thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép. Sau khi có kết luận chỉ đạo về xử lý kết luận thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP, Thanh tra TP sẽ chuyển nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định.

Mặt khác, việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra. Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra.

Song song đó, sau khi ban hành kết luận thanh tra, đối với các kết luận thanh tra có nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát, việc theo dõi được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức, như: Ban hành văn bản và làm việc trực tiếp với các đối tượng có liên quan để nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi văn bản đề nghị cơ quan chỉ đạo, yêu cầu thực hiện; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi thực hiện nộp lại tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua kết luận thanh tra; vận động, thông tin các quy định của pháp luật đến các đối tượng biết phạm vi, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi thực hiện nộp lại tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát.

Ngoài ra, việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra bị chậm thực hiện hoặc không hoàn thành việc thực hiện trong thời gian dài, sẽ được chuyển sang giai đoạn tiến hành kiểm tra, làm rõ; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân TP áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc chấp hành việc thực hiện Kết luận thanh tra./.

CM