Các đại biểu tham quan các gian hàng thương hiệu Việt Nam.

 

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ - TTg ngày 25/11/2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ  của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh của nền kinh tế khi Việt Nam ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.

Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới

Những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 do Brand Finance thực hiện, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 USD). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Đây là điểm sáng nhờ sự tăng hạng bượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được nhận diện ngày một rõ nét nhờ những nỗ lực của Bộ Công Thương trong tổ chức Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2003. Sau hơn 17 năm triển khai, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin, cập nhật kiến thức xây dựng thương hiệu. Tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp.

Tất cả những nỗ lực đó đã được đo đếm một phần qua con số 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020. Cùng với đó nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - Top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc…

Củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới

Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, năm 2020 vị trí thương hiệu quốc gia và giá trị có sự phát triển vượt bậc, đáng khích lệ.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2020 vị trí thương hiệu quốc gia và giá trị có sự phát triển vượt bậc, đáng khích lệ. Đây là sự nỗ lực của các chính sách linh hoạt quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, quan trọng nhất là sự chủ động, cố gắng chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2021 và những năm tới, Bộ Công thương sẽ tập trung vào quảng bá cho chính chương trình thương hiệu quốc gia, giúp cho cộng đồng trong nước như doanh nghiệp, người dân, cơ quan bộ, ngành địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hiểu biết hơn về chương trình thương hiệu quốc gia gắn với sản phẩm chất lượng ngày càng cải tiến mẫu mã, tăng sự cạnh tranh thị trường có thế mạnh; tiến hành quảng bá cho chính doanh nghiệp đạt thương hiệu và các sản phẩm doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia thông qua kênh thương mại điện tử và các hoạt động truyền thống như: xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các sự kiện gắn kết ngoại giao văn hóa tại nước ngoài trên địa bàn Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia và các doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam truyền thông quảng bá mặt hàng đang hướng tới xuất khẩu, xây dựng thương hiệu thông qua kỹ năng kinh doanh quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể và địa phương… Ngoài ra, để thương hiệu Việt Nam vươn xa hơn, Bộ Công thương phối hợp các ngành địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có sản phẩm đoạt giải với nội dung cụ thể và tầm nhìn dài hạn.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương Finance cho rằng, Việt Nam dường như đã kiểm soát tốt mọi khía cạnh, đặc biệt là sự hội nhập và liên kết giữa thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đưa Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và nội khối, là động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Dixit nhấn mạnh, cơ quan quản lý chương trình “Giá trị Việt Nam” của Bộ Công Thương Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin và cập nhật kiến thức xây dựng thương hiệu. Tất cả sáng kiến và nỗ lực này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng, người tiêu dùng quốc tế và khách hàng về chương trình và các sản phẩm của chương trình thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp, từ đó góp phần củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nhờ những nỗ lực của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp lên đến 17 tỷ USD xuất khẩu của cả nước. Còn ngành công nghiệp dệt may chiếm hơn 22 tỷ USD xuất khẩu.

“Những kết quả trên, cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong qua trình xây dựng thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp và hàng Việt trên thị trường toàn cầu. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quản lý tốt sẽ là chìa khóa thành công và có thể mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước nói chung và cộng đồng xã hội nói riêng”- ông Dixit kết luận.

Bà Bùi Phương Thảo - đại diện doanh nghiệp cho biết, nhờ vào sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu. Từ đó, giúp doanh nghiệp đặt ra mục tiêu dài hạn để hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp phát triển thị trường, vươn ra xuất khẩu, có thêm nhiều bạn hàng hơn. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp có cơ hội xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ một cách chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước./.

Chi Mai