Nghị định quy định bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng phó giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 phó trưởng phòng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.
Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng.
Về số lượng phó chánh thanh tra sở, Nghị định nêu rõ: Thanh tra sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 phó chánh thanh tra; thanh tra sở có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 phó chánh thanh tra.
Số lượng phó chánh văn phòng sở được thực hiện như quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở.
Về số lượng phó chi cục thuộc sở, Nghị định quy định: Chi cục có từ 1-3 phòng và tương đương được bố trí 1 phó chi cục trưởng; chi cục không có phòng hoặc có từ 4 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 2 phó chi cục trưởng.
Về số lượng phó trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở, phòng có dưới 7 biên chế công chức được bố trí 1 phó trưởng phòng; phòng có từ 7 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.