Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 22/11, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo: Từ thách thức đến đột phá”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng, Hội thảo tập trung thảo luận về các công nghệ mới, các định hướng công nghệ tiếp theo, các chính sách, chiến lược, cách tiếp cận cần thiết để triển khai công nghệ một cách hiệu quả và bền vững, đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người. Hội thảo cũng trao đổi về công tác bồi dưỡng để trang bị cho đội ngũ giáo viên những kỹ năng cần thiết trong việc sử dụng và ứng dụng AI. Giáo viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ mới, để có thể tận dụng các công cụ AI trong giảng dạy, đồng thời hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ một cách an toàn và hiệu quả. Đồng thời nêu định hướng nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Việc giáo dục về AI, khoa học dữ liệu và tư duy số cần được đưa vào chương trình học, giúp học sinh không chỉ là người sử dụng công nghệ mà còn là người sáng tạo, phát triển công nghệ trong tương lai.

TS. Nguyễn Văn Hiếu tin rằng, “thông qua sự hợp tác và trao đổi tại hội thảo này, chúng ta sẽ tìm ra những hướng đi mới, những giải pháp thiết thực để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong giáo dục. Để cùng nhau xây dựng một nền giáo dục hiện đại, công bằng và hiệu quả, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.”

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, các giải pháp AI thí điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh là những bước tiến đáng kể hướng tới việc tích hợp AI vào lĩnh vực giáo dục. Bằng cách tập trung vào các mô hình hỗ trợ lộ trình học tập được cá nhân hóa và phân tích dự đoán về nội dung kiến thức cần bổ sung cho học sinh, công nghệ AI có thể hỗ trợ cho khối lượng lớn giáo viên và học sinh trong việc tối ưu hóa, cá nhân hóa lộ trình học tập từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của ngành theo diện rộng.

Cùng quan điểm trên, cô Bùi Thị Thương-Trường THPT Nguyễn Huệ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, giải pháp triển khai hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường THPT là nâng cao nhận thức của người thầy về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học. Người thầy phải dạy học sinh thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, sử dụng tối ưu những lợi ích mà công nghệ mang lại song cần biết cách kiểm soát công nghệ, biến AI thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho bản thân trong công việc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo AI có thể hỗ trợ cho quá trình học tập, thúc đẩy quá trình học tập chứ không thay thế được vai trò chủ động, tự học và sáng tạo của học trò. Do vậy,  học sinh cần được xây dựng văn hóa học tập, văn hóa đọc trong thời đại chuyển đổi số; trang bị những kĩ năng ứng phó với những tiêu cực trong môi trường công nghệ số. Điều này, đặc biệt thuận lợi cho việc xây dựng một xã hội học tập với nhu cầu học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của con người trong thời đại 4.0 - đó là những con người năng động, sáng tạo, tự lập, biết tự học và tự nghiên cứu.

Đặc biệt, đơn vị giáo dục cần tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên hướng dẫn giáo viên có những hiểu biết đúng đắn và trang bị năng lực ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lí lớp học và quan trọng hơn chính là giáo viên có thể hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng AI một cách hiệu quả; Nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học để đảm bảo tính bền vững, lâu dài bởi đầu tư cho giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu.

Chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc EMG Education cho biết, với sự ra đời của các hệ thống mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hiện đại, AI tạo sinh đã có bước tiến vượt bậc đến mức nó có thể tích hợp chặt chẽ trong nhiều khía cạnh của giáo dục, đóng vai trò là cộng sự hợp tác với các nhà giáo dục trong việc tạo điều kiện cho sáng tạo nội dung và cung cấp cơ hội luyện tập cho học sinh bằng việc đánh giá và phản hồi tức thì.

“Trong tương lai gần, chúng ta có thể sử dụng và tạo ra rất nhiều công cụ như để tăng thêm giá trị quan trọng dành cho giáo viên và học sinh. AI có thể tăng cường khả năng của giáo viên để tạo nội dung phù hợp và hữu ích. AI cũng có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn về kết quả học tập của học sinh. Và thông qua việc thực hành và lời nhận xét, học sinh sẽ được hưởng lợi từ trải nghiệm giáo dục phong phú, trang bị cho các em khả năng ngôn ngữ cần thiết để thành công trong thế giới kết nối ngày nay”- bà Nguyễn Phương Lan phân tích./.

CM