Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index - PCI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đến địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ nhưng là đô thị đặc biệt, là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Do đó, nghiên cứu, đánh giá vị trí, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trên lĩnh vực đối ngoại kinh tế với tư cách là địa phương trung tâm, dẫn dắt cả vùng cùng phát triển trong thời gian tới mang ý nghĩa cấp thiết.
Theo ông Trịnh Phạm Danh, Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, vấn đề nâng cao chỉ số CPI cần được đặc biệt chú trọng để góp phần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Thời gian qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đứng ở các vị trí thuộc nhóm khá tốt trong bảng xếp hạng và luôn cao hơn giá trị trung bình cả nước. Năm 2015, Thành phố đạt 61,36 điểm, xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2020, tuy rớt xuống hạng 14/63 tỉnh, thành phố, nhưng điểm PCI của thành phố lại tăng lên 65,7 điểm; năm 2021, vẫn duy trì thứ hạng 14/63, nhưng điểm PCI vẫn tăng lên 67,5 điểm. Năm 2022, PCI Thành phố Hồ Chí Minh biến động mạnh, điểm giảm xuống còn 65, 86 điểm (giảm 1,74 điểm so với năm 2021), tụt xuống hạng 27/63 tỉnh, thành phố (tụt 13 bậc so với năm 2021).
Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố thời gian qua, đây được xem là một “nốt trầm” trong bản nhạc đầy những giai điệu vui tươi. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cụ thể, đối chiếu với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước, với những biến động kinh tế - chính trị trên thế giới, cần có sự đánh giá toàn diện, đúng bản chất để từ đó đưa ra những giải pháp sát hợp, hiệu quả cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để tạo lập môi trường bình đẳng, an toàn cho các doanh nghiệp cùng phát triển.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Tiêu biểu là Kế hoạch số 1229/KH-UBND, ngày 9-4-2021, “về cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025” và Kế hoạch số 1260/KH-UBND, ngày 3-4-2023, “về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư năm 2023”. Trên cơ sở đó,ccác sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai, phân công rõ ràng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tọa đàm về kết quả đánh giá các chỉ số của Thành phố, tham vấn ý kiến các chuyên gia nhằm lắng nghe, chia sẻ khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm kịp thời có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, quản trị hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Thành phố bảo đảm công khai, minh bạch chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính. Thành phố không ngừng tuyên truyền các nội dung về cải cách hành chính với nhiều hình thức đa dạng trên các trang thông tin điện tử, báo, truyền hình, các bản tin. Đặc biệt, Thành phố tập trung tuyên truyền các nội dung có liên quan công tác cải cách hành chính gắn với chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Đồng thời, Thành phố đã tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng hoạt động các dịch vụ công ích.
Đến nay, Thành phố đã ban hành 4 quyết định phê duyệt 1.578 quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính. Tổ chức triển khai và đưa vào vận hành Cổng thông tin Chuyển đổi số tại địa chỉ http://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn, chuyên mục “Diễn đàn số”. Định kỳ giới thiệu bản tin chuyển đổi số nhằm phổ biến, tuyên truyền và cung cấp thông tin về kết quả chương trình Chuyển đổi số; kịp thời tổng hợp, ghi nhận các sự kiện tiêu biểu, văn bản mới; các hoạt động nổi bật của lãnh đạo Thành phố; các giải pháp, mô hình chuyển đổi số hay, sáng tạo. hiệu quả tại các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kịp thời học tập, nhân rộng.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thiết thực, hiệu quả. Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nổi bật là: (i) Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; (ii) Nâng cấp Chương trình phục vụ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại nhà; (iii) Biên soạn sổ tay hướng dẫn đăng ký kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; (iv) Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ Nhà đầu tư/ doanh nghiệp tự soạn hồ sơ cấp mới Dự án đăng ký đầu tư và hồ sơ góp vốn mua cổ phần trên Cổng thông tin doanh nghiệp Sở Kế hoạch và Đầu tư…
Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư; đồng thời tổ chức các chương trình khảo sát nhu cầu, khó khăn của các nhà đầu tư để kịp thời nắm thông tin, kịp thời giải quyết vấn đề cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt hon 98%, hồ sơ đăng ký đầu tư qua mạng đạt hơn 31%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hơn 99%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 95%.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được Thành phố duy trì và đem lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có 20 thương hiệu dụng năm 2023 với tổng số tiền đạt 453.070 tỷ đồng; Các ngân hàng thương mại cổ phần đã dành các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân; Tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với 16 ngân hàng thương mại ký kết với khách hàng, số tiền hỗ trợ lên đến 11.380 tỷ đồng…
TP đã thực hiện ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong cải cách hành chính để tăng tính minh bạch, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thành phố đã xây dựng, triển khai các quy trình điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính; ban hành kế hoạch triển khai phương án tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy mạnh sử dụng thiết bị công nghệ để tra cứu thông tin trên màn hình cảm ứng (Kiosk) giúp công tác tìm kiếm thông tin của người dân, tổ chức được nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả.
Hiện nay, Thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch thông qua ứng dụng Bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 (Map 3D/360). Sở Du lịch đã thiết lập và vận hành cổng thông tin 1022 hỗ trợ du khách; phối hợp với trung tâm kinh doanh VNPT Thành phố thực hiện thiết lập kết nối tổng đài 1022 (nhánh số 8), hoạt động chính thức từ ngày 1/12/2022.
Thông tin quy hoạch công khai, minh bạch. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, đánh giá và điều chỉnh định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo…hạn chế các ngành công nghiệp ô nhiễm môi trường và sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhằm giảm số lượng công nhân nhập cư và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó, đánh giá dự báo đúng nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp đưa vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố nhằm xác định cụ thể các khu vực dụ kiến bố trí xây dựng nhà ở công nhân với quy mô đủ lớn, kết nối thuận lợi về giao thông, phục vụ tốt nhất cho các khu công nghiệp.
Với những quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân Thành phố, chỉ số PCI, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng là, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì vị trí trong top 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư. Gần cuối quý 2 năm 2023, theo thông tin từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.
Nếu như trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, các dự án, lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông./..