Trung tâm hành chính công thành phố Thủ Đức ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hoàng Thọ
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với kết quả tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định về hướng sắp xếp đối với khối chính quyền.
Theo đó, nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì thành phố có sở tương ứng. Cụ thể, thành phố nghiên cứu sáp nhập 10 sở, nghiên cứu kết thúc hoạt động 2 sở và sáp nhập, kết thúc một số cơ quan hành chính khác. Sau khi sắp xếp, sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính.
Tại kỳ họp thứ 20 vừa qua, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua việc bố trí 107.021 biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính trong năm 2025; trong đó số cán bộ, công chức cấp huyện trở lên là 10.073 biên chế. Số lượng biên chế này tương đương với số biên chế Trung ương giao.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bắc Nam, do thực tiễn của thành phố, từ năm 2023 trở về trước, số biên chế thực tế của thành phố thường cao hơn số biên chế được Trung ương giao (gần 10.000 biên chế thực tế so với 6.777 biên chế được giao). Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tinh gọn bộ máy. Công tác này gắn với tinh giản biên chế theo từng giai đoạn, lộ trình do Trung ương quy định.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc tại 41 phường hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại 10 quận, số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc tại 41 phường mới hình thành là 2.297 người.
Ông Nguyễn Bắc Nam cho biết thêm, UBND thành phố sẽ chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc sắp xếp bộ máy, biên chế bảo đảm “tinh gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn sắp tới.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có dân số đông nhất cả nước, với hơn 13 triệu dân thường trú và tạm trú, với hoạt động kinh tế - xã hội sôi động. Những năm qua, cán bộ, công chức thành phố luôn chịu áp lực rất lớn về số lượng hồ sơ hành chính cần giải quyết mỗi ngày. Việc tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải làm việc với năng suất gấp đôi hiện tại.
Điều này, đòi hỏi thành phố Hồ Chí Minh phải bố trí cán bộ, công chức đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, phù hợp kỹ năng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhiều lần nhấn mạnh công tác cán bộ, khi bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan. Người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm việc với tinh thần vì lợi ích chung, có bổn phận phải phục vụ nhân dân...
Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng chính quyền thành phố ứng dụng mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa công nghệ thông tin, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động thực chất, hiệu quả; đưa các thủ tục hành chính cần thiết vào dịch vụ công trực tuyến toàn trình hiệu quả hơn. Song song đó, UBND thành phố cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết. Hiện, một số thủ tục về đầu tư đã giảm 30%, cần tiếp tục cắt giảm mạnh hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường, người dùng, xanh hóa các dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 12-2024. Người đứng đầu thành phố cũng chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết xóa bỏ “cơ chế xin - cho” trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Đi liền với công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của thành phố Hồ Chí Minh là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một cách hiệu quả nhất. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề không kém, đòi hỏi thành phố phải đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức.