Trên 80% người dân đồng thuận
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp 19 phường thuộc 6 quận.
Thành ủy thành phố Thủ Đức được để xuất đặt tại quận 2. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ngày 3/10, các quận 2, 9 và Thủ Đức đã tổ chức bỏ phiếu để lấy ý kiến cử tri trên địa bàn. Và ngày 4/9, ba quận 2, 9 và Thủ Đức cho biết kết quả bỏ phiếu đa phần người dân đồng tình thành sáp nhập các quận này lấy tên thành phố Thủ Đức, tỷ lệ ý kiến đồng thuận trên 82%.
Cụ thể, Chủ tịch UBND quận 9 (TP.HCM) Trần Văn Bảy cho biết, 97% người dân trên địa bàn quận đồng ý với Đề án thành lập thành phố Thủ Đức và việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới.
Theo đó, quận 9 có 142.090 cử tri tham gia lấy ý kiến về việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức. Trong đó, 138.231 cử tri đồng ý với việc sáp nhập, chiếm hơn 97%. Số cử tri không đồng ý là 3.253 người, chiếm 2,29%. Ngoài ra, 152 cử tri có ý kiến khác và 454 phiếu không hợp lệ.
Đối với việc lựa chọn tên gọi thành phố Thủ Đức, 136.516 cử tri (chiếm hơn 96%) đồng tình với tên gọi này. Số người không đồng ý là 4.535, chiếm 3,19%. Số người lựa chọn ý kiến khác là 586 chiếm 0,41%, 454 phiếu bầu không hợp lệ.
"Với kết quả này, UBND quận sẽ báo cáo với HĐND cùng cấp tổ chức kỳ họp thông qua các nghị quyết", ông Trần Văn Bảy chia sẻ.
Trong khi đó, sáng 4/10, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức công bố kết quả lấy ý kiến cử tri. Theo đó, 99,29% cử tri tham gia bỏ phiếu so với tổng cử tri trên địa bàn. 97,89% người dân đồng ý việc sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức. 97,51% đồng ý việc đặt tên là Thành phố Thủ Đức.
Trước đó, từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 3/10/2020, cử tri quận Thủ Đức đã đến các trụ sở khu phố để bỏ phiếu cho ý kiến về việc thành lập Thành phố Thủ Đức trong không khí vui tươi, phấn khởi hướng đến một tương lai phát triển mạnh mẽ của Thủ Đức.
Tỷ lệ cử tri quận 2 đồng tình với việc sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành một quận mới đạt hơn 82% và gần 77% cử tri đồng tình với tên mới sau sáp nhập là Thành phố Thủ Đức.
Hiện 3 quận 2, 9 và Thủ Đức có 36 phường. Theo dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính ở TP Hồ Chí Minh, sau khi sáp nhập 3 quận này thì TP Thủ Đức sẽ giảm 2 phường.
Hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp 19 phường thuộc 6 quận. Thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức trước đây), thuộc phía Đông TP Hồ Chí Minh.
Giải thích cho sự cần thiết thành lập Thành phố Thủ Đức, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 ngày 1/10, Phó Bí thư Thường trực TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang nêu rõ, TP Thủ Đức sẽ là vùng đất có mô hình phát triển mới. Nơi đây sẽ tích hợp nhiều lĩnh vực là thế mạnh của thành phố như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, logistics hậu cần..., là những ngành nghề có độ kết nối, tương tác với nhau rất cao, từ đó đóng góp cho thành phố nhiều hơn.
Theo đề xuất, thành phố Thủ Đức trực thuộc TP Hồ Chí Minh sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, với diện tích 211,57 km², quy mô hơn 1,169 triệu dân. Nơi đây có nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng, như: Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); cụm Đại học phía Đông TP Hồ Chí Minh (với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); khu vực này còn có tuyến Vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái lớn nhất Việt Nam…
Đây là các tiền đề rất quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP Hồ Chí Minh. Là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững. Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
TP Hồ Chí Minh là trung tâm đầu tàu kinh tế cả nước, có trách nhiệm đi đầu, phát triển theo xu thế của thế giới. Nếu không thực hiện, mỗi ngày thành phố sẽ tụt hậu dần và "có lỗi với người dân thành phố và cả nước". Phó Bí thư Thường trực TP Hồ Chí Minh nên rõ.
Bên cạnh đó, khi thực hiện sáp nhập 3 quận sẽ giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và khi sắp xếp sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường, góp phần phục vụ người dân tốt hơn. Cùng với đó là việc tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải. Đặc biệt, sau khi sáp nhập sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và cơ cấu lao động hợp lý, thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước…/..