Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại nghị chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, chất vấn của Tổ đại biểu HĐND TP Thủ Đức, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Tại các kỳ họp, đa số đại biểu tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Thành phố, góp phần giúp HĐND có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế chính sách của Thành phố.

Trong hoạt động chất vấn, một số đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc và những lĩnh vực mà đại biểu cũng như cử tri đang quan tâm, đồng thời kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả.

Trong hoạt động giám sát, các đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục, nên chất lượng hoạt động giám sát ngày được nâng lên.

Trong tiếp xúc cử tri, đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan và với Thường trực HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Qua đó, cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND, từ đó vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường.

Thời gian qua, tổ đại biểu hội đồng nhân dân Thành phố Thủ Đức đã góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố và địa phương. Phát huy tích cực việc tham gia thực hiện đề án 01 của HĐND Thành phố “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021 – 2026” cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực HĐND Thành phố, hoạt động của tổ đại biểu HĐND nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới so với trước. Việc tổ chức cho các đại biểu TXCT không chỉ tiến hành trước và sau mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND mà còn đa dạng về hình thức và đối tượng, TXCT chuyên đề, theo giới,…. Chất lượng tổng hợp ý kiến cử tri sau hội nghị TXCT cũng được nâng cao, bảo đảm rõ nội dung, địa chỉ, không trùng lắp qua đó nắm được sâu sát nhiều vấn đề bất cập từ cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa phương.

Tổ đại biểu HĐND đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Các cuộc giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND Thành phố tại địa phương đều có đại diện tổ đại biểu HĐND tham dự và phát biểu ý kiến. Các cuộc thảo luận tổ tại các kỳ họp HĐND Thành phố luôn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với nhiều ý kiến phát biểu chất lượng và tâm huyết.

 

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri các phường tại TP Thủ Đức.

Đặc biệt, chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đã được thể hiện rõ nét trong việc phân công, khích lệ các đại biểu HĐND là thành viên của tổ chuẩn bị câu hỏi chất vấn và chất vấn trực tiếp tại các phiên họp. Theo dõi các kỳ họp gần đây cho thấy chất lượng chất vấn của đại biểu ngày càng được nâng cao hơn. Ngày càng có nhiều câu hỏi chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri quan tâm, bức xúc được chuyển tới thủ trưởng các cơ quan chức năng, liên quan đến những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, xử lý xe quá khổ quá tải, hoạt động bảo kê, tín dụng đen, các vấn đề an sinh xã hội.

Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố thường xuyên phối hợp tốt với Thường trực, các Ban HĐND Thành phố Thủ Đức về chương trình hoạt động, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các ban, các đại biểu HĐND Thành phố Thủ Đức và phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề, khảo sát các vấn đề cử tri kiến nghị, phản ánh, các vụ việc khiếu nại, tố cáo qua tiếp nhận các đơn thư gửi đến tổ đại biểu và Thường trực HĐND Thành phố chuyển đến địa phương xử lý, giải quyết.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của tổ đại biểu HĐND Thành phố Thủ Đức nói riêng và các tổ đại biểu HĐND Thành phố nói chung hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri hình thức vẫn còn đơn điệu, chưa có sự đổi mới rõ nét. Các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít. Phần lớn các tổ đại biểu chưa phát huy được tính chủ động trong đề xuất, xây dựng kế hoạch giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề của các tổ đại biểu HĐND do Thường trực HĐND cùng cấp phân công còn ít và chưa có sự phối hợp sâu giữa các tổ đại biểu với các Ban HĐND và các địa phương nên một số vấn đề cử tri kiến nghị phản ánh mặc dù đã được giải quyết nhưng chất lượng và tiến độ chưa đáp ứng theo nguyện vọng của cử tri và hiệu quả chưa thật sự cao.

Những hạn chế trên, ngoài những nguyên nhân thuộc về chủ quan như: Các đại biểu HĐND chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm (kể cả chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ đại biểu HĐND), thời gian dành cho hoạt động của tổ chưa nhiều, còn có nhiều nguyên nhân mang tính khách quan, tạo rào cản đối với hoạt động giám sát của tổ đại biểu. Trước hết, chức năng, nhiệm vụ của tổ đại biểu HĐND chưa được đề cập nhiều trong các quy định của pháp luật.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của HĐND còn chậm (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2016, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực từ 1/7/2016, song đến ngày 30/1/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND).

Đối với hoạt động của tổ đại biểu HĐND, mặc dù đã có hướng dẫn cũng vẫn vướng mắc. Chẳng hạn, tại Khoản 2, Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 quy định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND, chữ ký của tổ trưởng, tổ phó tổ đại biểu HĐND là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do tổ ban hành”. Tuy nhiên, văn bản do tổ đại biểu HĐND ban hành, nếu chỉ dựa vào chữ ký của tổ trưởng, tổ phó không đủ hiệu lực pháp lý trên thực tế, nhất là đối với các báo cáo kết quả giám sát.

Thực tiễn hoạt động những năm qua có thể khẳng định: Tổ đại biểu HĐND có vai trò quan trọng, là “cánh tay nối dài” của HĐND, Thường trực HĐND. Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ đại biểu HĐND, ngoài sự nỗ lực của mỗi đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, những rào cản trên đây cũng rất cần được các cơ quan chức năng của nhà nước sớm quan tâm, tháo gỡ.

Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, nâng cao vai trò của HĐND và vai trò của từng đại biểu HĐND, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, trong nhiệm kỳ tới HĐND các cấp tập trung một số nội dung sau:

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó thường xuyên quan tâm và có phương thức lãnh đạo chặt chẽ các mặt hoạt động của HĐND để vai trò của HĐND được phát huy và hoạt động hiệu quả.

Các đại biểu HĐND, các Tổ đại biểu HĐND phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, Tổ đại biểu được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; tiếp tục nâng cao chất lượng của người đại biểu HĐND, ngoài phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, người đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực thực tiễn, có tâm huyết, trách nhiệm cao đối với hoạt động của người đại biểu, tham gia thảo luận, chất vấn tại kỳ họp và các hoạt động giám sát; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Phát huy hiệu quả vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND.

Thiết lập và duy trì chặt chẽ mối quan hệ công tác giữa các Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Các Tổ đại biểu HĐND phải có kế hoạch công tác quý, năm gửi Thường trực HĐND, các Ban HĐND để phối hợp triển khai, nhất là trong hoạt động giám sát; đồng thời thông tin kết quả hoạt động hàng quý với Thường trực HĐND.

Thường xuyên chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, Tổ đại biểu như: Kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, kỹ năng xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát tại địa phương theo luật định. Ngoài ra cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm các điều kiện như kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hằng năm, mỗi đại biểu HĐND tự xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm và báo cáo với Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp biết để theo dõi, giám sát việc thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Mặt khác, hằng năm Thường trực HĐND cần tổ chức đánh giá và xếp loại kết quả hoạt động, có động viên khen thưởng kịp thời đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời vận dụng một số giải pháp trên đây, chắc rằng trong thời gian tới, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND sẽ tiếp tục được nâng lên hơn nữa, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND./.

 

CM