Ngày 27/11, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24 năm 2022.

Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka là một trong những hoạt động tiêu biểu và ý nghĩa trong việc bồi dưỡng và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Giải thưởng đã phát huy năng lực tư duy sáng tạo, chủ động trong học tập, nghiên cứu của sinh viên, góp phần ứng dụng kiến thức trong nhà trường giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, đất nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức trao giải nhất cho nhóm tác giả thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. (Ảnh: M.Hiệp)

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24 năm 2022 được triển khai và thực hiện từ tháng 07/2022 đến tháng 11/2022. Đối tượng tham gia Giải thưởng là sinh viên hiện đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học và học viện trên toàn quốc, theo 2 hình thức: cá nhân hoặc nhóm. Giải thưởng có tổng cộng 12 lĩnh vực, bao gồm: Xã hội và Nhân văn; Giáo dục; Kinh tế; Pháp lý; Kỹ thuật – Công nghệ; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Công nghệ thông tin; Công nghệ Hóa, Dược; Công nghệ Sinh – Y sinh; Nông lâm ngư nghiệp; Tài nguyên và Môi trường; Công nghệ Thực phẩm.

Theo Ban Tổ chức Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, năm nay giải thưởng đã thu hút 119 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc, với 1.231 đề tài của 3.728 thí sinh tham gia. Trong đó, đã có 488 thí sinh là tác giả của 160 đề tài xuất sắc được chọn vào vòng chung kết, đến từ 88 trường đại học, học viện, cao đẳng trên toàn quốc.

Ban Tổ chức đã chấm chọn 134 đề tài xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có 8 giải Nhất, 15 giải Nhì, 14 giải Ba và 97 giải Khuyến khích. Đặc biệt, 8 giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24 đều đến từ các trường ở TP Hồ Chí Minh.

Từ những kết quả nghiên cứu của sinh viên tham dự “Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka” lần thứ 24 năm 2022, Ban tổ chức đã kết nối và sẽ chuyển giao những kết quả nghiên cứu của một số đề tài cho các đơn vị triển khai ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã nhận được 160 đoạn phim ngắn kể về những câu chuyện khoa học của các bạn thí sinh tham gia Giải thưởng Euréka năm nay. Những video clip xuất sắc được Ban tổ chức bình chọn được nhận Giải video clip “Câu chuyện khoa học của tôi”.

Đề tài đạt giải nhất sẽ được Ban tổ chức và Hội đồng khoa học xem xét và đăng trên Bản tin Khoa học trẻ của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP Hồ Chí Minh, hoặc Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sau khi được Hội đồng khoa học phản biện.

8 công trình nghiên cứu đoạt giải nhất ở các lĩnh vực:

- Quy hoạch - kiến trúc - xây dựng: Công trình "Cấu trúc không gian chức năng Trung tâm Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng An Giang", tác giả Nguyễn Hoàng Thúy Vy. (Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh)

- Nông - lâm - ngư nghiệp: "Phân tích đa hình gen Prolactin và ảnh hưởng của đa hình gen đến một số tính trạng sản xuất trứng trên nhóm vịt lai hướng trứng" của nhóm tác giả Tấn Lợi, Mỹ Lan và Khánh Ly (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh).

- Công nghệ thông tin: "Smart Interactive Retrieval of Visual Data via Semantic Understanding" của nhóm tác giả Xuân Nhật, E Rô (Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

- Công nghệ hóa dược: "Nghiên cứu tổng hợp, đánh giá hoạt tính sinh học in vitro và in silico của các hợp chất lai hóa giữa chalcon và morpholin bằng dây nối alkoxy" của nhóm tác giả Quang Thịnh, Thành Đạt, Quang Long và Tuấn Khoa (Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh).

- Công nghệ sinh - y sinh: "Phân tích kiểu hình của cá thể mang bệnh nền và mô hình hóa thời gian thực của di chứng hậu COVID-19 ở Việt Nam" của nhóm tác giả Nhật Anh, Quỳnh Giang và Minh Đức (Khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

- Hành chính pháp lý: "Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội" của nhóm tác giả Anh Thy, Lệ Thủy (Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh).

- Công nghiệp thực phẩm: "Nghiên cứu ứng dụng khí CO2 kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển và sinh độc tố gây ung thư Aflatoxin B1 và Fumonisin B1 của Aspergillus flavus và Fusarium proliferatum trong bảo quản lúa" của nhóm tác giả Anh Thư, Diễm Quỳnh, Phương Tùng và Kim Xuyến (Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh).

- Giáo dục: "Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức của học sinh trung học phổ thông về trì hoãn trong học tập" của nhóm tác giả Ky Thy, Thùy Sương, Thị Thắm và Quế Trân (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh). 

 

TP