Ảnh minh họa: CM
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhiều công trình cơ sở vật chất văn hóa
Các công trình văn hóa công lập ở cơ sở bao gồm: Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp… tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2020, trên địa bàn 56 xã đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới 525 công trình cơ sở vật chất văn hóa, với tổng kinh phí hơn 1.061 tỷ 008 triệu đồng; có 20 Trung tâm Văn hóa, thể thao xã, cụm xã; có 409 Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp, nhà văn hóa, khu thể thao ấp trong đó có 357 Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp, nhà văn hóa, khu thể thao ấp đạt chuẩn; có 459 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và 436 Câu lạc bộ Thể dục thể thao.
Ngoài ra, các huyện còn đầu tư trang thiết bị dàn âm thanh phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nguồn ngân sách các huyện, sự hỗ trợ của các Sở, ngành Thành phố và các quận trên địa bàn Thành phố. Thường xuyên tổ chức hội diễn giao lưu văn hóa - văn nghệ, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ; phát triển rộng rãi phong trào thể dục thể thao, cùng với sự đầu tư của nhà nước, nhân dân đã đóng góp xây dựng nông thôn mới trên lĩnh vực văn hóa thể dục thể thao hơn 143 sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, hồ bơi với tổng kinh phí trên 151 tỷ đồng. Việc đầu tư các công trình cơ sở vật chất văn hóa như: Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao và các thiết chế văn hóa đã góp phần phục vụ hoạt động điều hành xây dựng đời sống văn hóa, hội họp, sinh hoạt của nhân dân; lồng ghép, hỗ trợ vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý tại địa phương.
Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Nông dân Thành phố tổ chức các hoạt động Hội thao chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước,... với nhiều chủ đề khác nhau hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thu hút đông đảo vận động viên là cán bộ, hội viên nông dân từ thành phố đến cơ sở tranh tài sôi nổi ở các môn thi đấu như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, kéo co, các trò chơi vận động như vác lúa về nhà, thu hoạch trái cây, ra đồng bắt cá, bước chân đoàn kết... Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo sự đoàn kết lẫn nhau, phát huy tinh thần đồng đội qua các môn thi đấu, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của người nông dân, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ gắn với chủ đề từng năm như tổ chức Hội thi “Tiếng hát trên Vành đai xanh” (02 năm/01 lần), Liên hoan văn nghệ quần chúng “Tự hào nông dân ngày mới” và trình diễn trang phục nghề nông; Hội thi “Kiến thức và sáng tạo nhà nông” (02 năm/01 lần), Hội thi “Cán bộ hội giỏi” (02 năm/01 lần), Hội thi “Nông dân với pháp luật” (01 năm/01 lần), hội thi “Nông dân với an toàn giao thông”, Ngày hội “Nông dân với văn hóa giao thông”, tổ chức các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như hội thi, tập huấn, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả… trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tạo điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời nâng cao nhận thức, phát huy đời sống tinh thần cho cán bộ, hội viên nông dân.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tham gia các hoạt động, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do ngành Văn hóa và Thể thao thành phố và địa phương tổ chức, nổi bật là “Ngày Hội văn hóa, thể thao xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới” với nhiều nội dung hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống được liên tục duy trì, cụ thể: bảo tồn làng nghề truyền thống địa phương như: se nhang, kết cườm, chằm nón lá, têm trầu, đan rổ rá, kết mành trúc, làm gốm sứ, đan lưới cá, trói cua, đan lát (đan mây tre lá, đan giỏ đệm), thắt lá dừa, trang trí nón lá, đan bao hàng, tấm đệm...; bảo tồn các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: các trò chơi dân gian (Nhảy sạp, tải quân, hái quả, ném còn, chơi ô ăn quan, Bịt mắt đập niêu; Bịt mắt bắt vịt; Thi thổi cơm; Gánh hoa qua cầu khỉ, bịt mắt bắt heo, bắt cá trong chum, gánh lúa qua cầu khỉ, thi nướng - luộc, gánh nước về đích, trò chơi ai nhanh hơn ai, thi viết thư pháp Việt, hội thi Thư Họa, hội thi giọng ca cải lương “Hương lúa vàng”, hội thi đố vui âm nhạc dân tộc, hội thi trình diễn trang phục truyền thống,...). Hoạt động “Ngày Hội văn hóa, thể thao xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới” góp phần duy trì, phát huy các hoại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống phù hợp với đối tượng là người dân 05 huyện và được phát triển, nâng chất theo từng năm.
Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc
Đề cao vai trò gia đình theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó chú trọng “xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người...”, “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh...”; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Nông dân Thành phố vận động các hộ gia đình hội viên, nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Phối hợp triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030; các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuyên dương “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu” trong chuỗi hoạt động tôn vinh vai trò của gia đình trong đời sống xã hội hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cán bộ chiến sĩ biên phòng, hội viên hội nông dân, nam nữ trong độ tuổi kết hôn địa bàn nông thôn. Qua đó, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em và các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình với những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, bạo lực gia đình, ứng xử và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình; nội dung từng tiết mục có tính thời sự cao truyền tải những thông điệp sâu sắc về giữ gìn đạo lý, nhân cách con người và những giá trị nhân văn của gia đình có sức lan tỏa trong cộng đồng, từng bước góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Trong thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn được gắn kết chặt chẽ với nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phù hợp với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhất là tập trung xây dựng các tiêu chí văn hóa, phong trào văn hóa, xây dựng con người văn hóa, lối sống văn hóa là nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và được đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ các cấp; kế hoạch hàng năm của cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa vùng nông thôn được triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa nhiều nội dung, giải pháp theo tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phấn đấu phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của thành phố.
Qua thực hiện tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho thấy, mối quan hệ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nâng chất đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân; để người dân đồng thuận tham gia mọi hoạt động ở địa phương, tích cực tham gia vào các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết của Đảng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chủ trương, đường lối thực hiện phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn đến các cấp, ngành, địa phương và từng người dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”.
Hai là, khắc phục hạn chế, từng bước củng cố, xây dựng chiến lược phát triển con người trên cơ sở xây dựng lối sống văn hóa mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới sự tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Coi trọng việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới trong cộng đồng; coi đây là trách nhiệm và công việc của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, các gia đình nông thôn đều phải có ý thức xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội của vùng nông thôn thành phố.
Bốn là, song song với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh, khôi phục các lễ hội dân gian, cần chú trọng kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc tại thành phố; phát triển văn hóa thành phố, gắn liền với giao lưu văn hóa quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân thành phố và ngành Văn hóa và Thể thao về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gia đình, thể dục thể thao, trong đó chú trọng nội dung tăng cường vai trò cán bộ văn hóa cơ sở của ngành Văn hóa - Thể thao, phối hợp với Hội Nông dân huyện - xã phấn đấu tổ chức thực hiện tốt và đạt các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ được ký kết. Năm là, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn các xã, các ấp; có cơ chế, chính sách cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp để tạo điều kiện thuận lợi, phát huy được công năng của thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân tại địa bàn xây dựng nông thôn mới./.