Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thu Hường)
Ngày 17/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa trong lòng người dân ở TP Hồ Chí Minh”.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học TP Hồ Chí Minh đối với việc phát huy văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa cho thành phố nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa…. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Cùng với đó là để thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP Hồ Chí Minh về “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
Trình bày đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hội thảo nhấn mạnh: Hơn 300 năm lịch sử, nhân dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã anh dũng kiên cường, vừa sản xuất vừa chiến đấu, thực hiện cuộc hành trình văn hóa, sáng tạo ra hệ giá trị; trong đó có những giá trị cốt lõi, làm nên bản sắc con người, văn hóa TP Hồ Chí Minh. Phát huy giá trị bản sắc con người và văn hóa truyền thống, trong những năm đổi mới vừa qua, TP Hồ Chí Minh “cùng cả nước, vì cả nước” trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước.
Đại hội XI Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình…, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.
Đoàn Thanh niên phường Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh) xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
(Ảnh: Trường Hoàng)
Các nhà khoa học cho rằng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng không chỉ dựa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa và con người TP Hồ Chí Minh, mà còn kết hợp với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh công việc xây dựng Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong sạch, vững mạnh gắn với tăng cường học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, không ngừng nâng cao dân trí và năng lực nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, giá trị, ý nghĩa của văn hóa Hồ Chí Minh trong sự nghiệp phát triển toàn diện Thành phố và cả nước, làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo TS Vũ Thị Mai Oanh, Thư ký Hội đồng Khoa học Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam – TP Hồ Chí Minh: Cần dành quỹ đất để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chỉ nói suông sẽ khó tạo sự lan tỏa đúng nghĩa.
Còn TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam - TP Hồ Chí Minh, cho rằng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ ở cả mặt vật thể và phi vật thể, bao gồm khu vực bảo tồn, bảo tàng, lễ hội văn hóa... Quan trọng nhất là xây dựng, khơi dậy khát vọng Hồ Chí Minh, tinh thần Hồ Chí Minh, ý chí và quyết tâm Hồ Chí Minh... trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tuổi trẻ.
Về lan tỏa văn hóa Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Hương (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, ngoài sự chung sức chung lòng của cả nước hướng tới nơi này, thì người dân thành phố đã đồng tâm hiệp lực cùng nhau vượt qua đại dịch. Đó là những bếp ăn từ thiện, những người không quản nguy hiểm vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men vào tâm dịch… để không ai bị đói, bị thiếu thuốc. Điều này cho thấy tinh thần tương thân tương ái “bầu ơi thương lấy bí cùng”; những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lan tỏa và ngày càng lan rộng trong mỗi con người của thành phố mang tên Bác.
Các đại biểu nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm và kỳ vọng: TP Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Bác Hồ kính yêu. Đảng bộ Thành phố phải suy ngẫm làm sao để niềm vinh dự này trở thành động lực phát triển và thuộc tính văn hóa của thành phố. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được thấm sâu vào từng người, từng nhà và trở thành một bản sắc văn hóa của công dân TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, lan tỏa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP Hồ Chí Minh là cần thiết, tất yếu, không chỉ đáp ứng nhu cầu và khát vọng phát triển “cùng cả nước và vì cả nước” của Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất./.