Ưu điểm và sự phát triển vượt trội
Nhà Bè sở hữu vị trí kết nối giao thương chiến lược mang lại nhiều lợi thế để phát triển kinh tế; phía Đông giáp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai khu vực đang phát triển dự án sân bay quốc tế Long Thành, phía Tây giáp huyện Bình Chánh huyện Cần Giuộc tỉnh Long An – Đô thị vệ tinh của Sài Gòn trong tương lai, phía Nam giáp huyện Cần Giờ và phía Bắc giáp với quận 7- khu vực phát triển sầm uất với hạt nhân là Phú Mỹ Hưng.
Giai đoạn 2016-2020, huyện Nhà Bè đã có sự chuyển đổi ấn tượng với tốc độ tăng trưởng đạt 12,14%. Trong đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Thu ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt kế hoạch được giao hàng năm, tổng thu trong nhiệm kỳ đạt 5.268 tỷ đồng, tự cân đối chi thường xuyên đạt hơn 32%.
Nhằm phát huy nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, huyện đã huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 3.217 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 3.080 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng. Các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tích cực, đã làm thay đổi diện mạo của huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hiện nay, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch xã Hiệp Phước với quy mô 3.800ha trở thành một khu đô thị - cảng ở phía Nam TP. Nhiều khu đô thị hiện đại đã hình thành sẽ là khu đô thị kiểu mẫu của TP, như khu đô thị mới Nhơn Đức - Nhà Bè quy mô 350ha với các mô hình đô thị hiện đại gồm nhiều cây xanh, mặt nước và không gian công cộng.
Những công trình giao thông trọng điểm đã và đang trong giai đoạn triển khai như: Công trình hầm chui, cầu vượt Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ: kết nối Nhà Bè với trung tâm quận 7, quận 4 và quận 1; cao tốc Bến Lức-Long Thành, cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, khu đô thị Cảng Hiệp Phước được kết nối giao thông cùng với tuyến metro số 4 sẽ tạo bước đột phá phát triển đô thị mạnh mẽ trong tương lai.
Các chuyên gia đưa ra ý kiến.
Khu công nghiệp - cảng biển lớn nhất TP Hồ Chí Minh gồm các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPCT; Tân cảng Hiệp Phước; Cảng quốc tế Long An và khu công nghiệp Hiệp Phước đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 43.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.
Nhà Bè được biết đến là thị trường mới mẻ, thu hút các nhà đầu tư bởi quỹ đất còn tương đối lớn, cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô, điều kiện sinh thái lý tưởng với nhiều mảng xanh, hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa, là lựa chọn hoàn hảo để khởi đầu một cuộc sống dài lâu và thịnh vượng.
Hiểu rõ tiềm năng đó, Đại hội Đảng bộ Huyện Nhà Bè đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025: Phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, gia đình hạnh phúc, bảo đảm an sinh xã hội, nhân dân có việc làm và cuộc sống ổn định; Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và nguồn nhân lực; Khai thác mọi nguồn lực xây dựng huyện Nhà Bè trở thành Quận có cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ - công nghiệp là chủ yếu.
Trong đó, các chương trình trọng điểm ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 bao gồm: chương trình phát triển đô thị; chương trình xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính và chương trình xây dựng gia đình hạnh phúc.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh, Lãnh đạo TP và các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp với các chương trình hành động cụ thể, hiệu quả để huyện Nhà Bè trở thành nơi đáng sống của người dân; thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư và trở thành đô thị thông minh.
Hiến kế giải pháp giúp huyện Nhà Bè thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển đô thị
Hiến kế 5 giải pháp giúp huyện Nhà Bè thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển đô thị theo Nghị quyết đã đề ra, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng:
Thứ nhất, trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng, huyện Nhà Bè phải luôn gắn kết với cả vùng đô thị phía Nam thành phố, bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, Quận 7 TP Hồ Chí Minh và huyện Cần Giuộc tỉnh Long An.
Thứ hai, việc đề xuất các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật phải xét đến yếu tố phát triển cả khu vực và phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Theo đó, mỗi dự án được sau khi hoàn tất sẽ là một trục động lực để phát triển kinh tế - xã hội chung cho vùng, khu vực.
Thứ ba, quá trình đô thị hóa tất yếu sẽ kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị. Vì vậy trong sự kiểm soát quá trình đô thị hóa sắp tới, các đồng chí cần phải gắn với tái cơ cấu ngành thương mại – dịch vụ, bởi lẽ đây là ngành kinh tế chủ yếu của huyện Nhà Bè hiện nay và trong tương lai. Yêu cầu đặt ra là phải tạo năng suất chất lượng cao, muốn có dịch vụ năng suất chất lượng cao phải có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh thì kinh tế sẽ phát triển theo. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa phát triển đô thị và phát triển kinh tế. Do đó huyện phải có giải pháp hiệu quả để thu hút doanh nghiệp dịch vụ ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường và quản lý đô thị, xây dựng các tuyến phố kinh doanh thương mại chuyên nghiệp, hiện đại, kiểu mẫu trên địa bàn.
Thứ tư, phát triển kinh tế, phát triển đô thị phải mang tính bền vững, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quan tâm đến các công trình phục vụ lợi ích công cộng như: giao thông, công viên, trường học và các dịch vụ vui chơi, giải trí ... để người dân hưởng thụ tốt hơn về tinh thần, cải thiện đời sống vật chất, quan tâm, tạo điều kiện cho người nghèo và thu nhập thấp có nhà ở và tiếp cận được các an sinh xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả chương trình đô thị thông minh gắn cải cách hành chính. Huy động sự tham gia các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa gắn với nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc mà nhân dân quan tâm..
Lãnh đạo thảo luận nhiều giải pháp để phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè.
Đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh, quá trình lịch sử hình thành và phát triển, đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đó đô thị hóa gắn với phát triển bền vững luôn là đòi hỏi tất yếu đạt ra trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay. Do đó trong quá trình thực hiện, cần phải nhận thức một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để có kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả nhất, sớm đưa huyện Nhà Bè trở thành quận trong một tương lai không xa.
Ông Phạm Phú Quốc đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận nêu ý kiến, cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường vành đai của TP Hồ Chí Minh và luồng sông Soài Rạp; nhanh chóng tháo gỡ nút thắt về cơ chế hiện nay như: xác định đơn giá tiền thuê đất, thủ tục giao đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến khó khăn trong hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp cũng gặp khó khăn kết nối hạ tầng giao thông với khu vực.Vướng mắc trên càng kéo dài dẫn đến đánh mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay, làm nản lòng các nhà đầu tư, tăng giá chi phí đầu tư. Vì vậy, cần có chiến lược bài bản thu hút các doanh nghiệp hàng đầu ở mỗi lĩnh vực trong ngoài nước đến đầu tư tại Nhà Bè.
Đại diện Doanh nhân TP, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà Bè nên thành lập hội đồng và tư vấn cho huyện trong việc xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển của huyện trong 5, 10, 20 năm sắp tới. Tầm nhìn về vị trí vai trò của huyện Nhà Bè, hiện thời ít nhất là trên phạm vi cả nước chứ không trọn gói tại TP Hồ Chí Minh; có cơ chế lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp xem doanh nghiệp là đồng đội cùng chiến tuyến chứ không phải là đối tượng cần kiểm tra, giám sát. Có tiếng nói phản biện với Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khi cần để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và quyết tâm xây dựng thành công chính quyền điện tử trong thời gian sớm nhất; Đề xuất với Lãnh đạo TP có giải pháp để đảm bảo thu nhập thỏa đáng cho cán bộ công chức của huyện để họ yên tâm làm việc và cống hiến...Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, trong tương lai gần, huyện Nhà Bè hứa hẹn trở thành một đô thị mới phía Nam đầy sôi động và hấp dẫn tại TP Hồ Chí Minh./.