Sản phẩm trái có múi cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, Uỷ ban Nhân dân Thành phố chấp thuận đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2542/SNN-PTNT không ban hành Chương trình,Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 4007/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chủ động phối hợp với các Sở ngành, Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức và Uỷ ban Nhân dân các quận - huyện thực hiện các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 4007/QĐ-UBND. Định kỳ hàng năm, xây dựng các giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, trình Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phê duyệt.
Ngoài ra, Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng giao các Sở ban ngành Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai có hiệu quả các giải pháp theo Quyết định số 4007/QĐ-UBND nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức và Uỷ ban Nhân dân các quận - huyện được yêu cầu phải tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của hợp tác xã để kịp thời xem xét, hỗ trợ giải quyết.
Được biết, những năm qua, các địa phương của TP Hồ Chí Minh đã quan tâm phát triển nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, theo đó, tại huyện Củ Chi đã chú trọng tập trung cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xác định rõ cơ cấu của ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, phát triển hợp tác xã kiểu mới, tạo ra những bước phát triển cho nông nghiệp.
Trồng dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt.
Việc phát triển hợp tác xã kiểu mới ở Củ Chi đã tạo ra những bước phát triển tốt hơn cho nông nghiệp; đồng thời giúp nông dân thuận lợi hơn trong ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề về vốn. Cùng với phát triển hợp tác xã kiểu mới việc xây dựng nông thôn mới cũng sẽ thuận lợi hơn, vì đây là vấn đề liên quan đến những tiêu chí quan trọng của chương trình là nâng cao thu nhập người dân.
Còn tại huyện Hóc Môn, một huyện nông thôn mới cũng đang bứt phá phát triển nông nghiệp đô thị, đầu tư vào du lịch sinh thái và những bứt phá trong sản phẩm OCOP là những tín hiệu lạc quan của huyện Hóc Môn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Từ đó, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm du lịch nằm trong chương trình mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch của Hóc Môn cũng được nhiều du khách biết đến, tham quan, khám phá. Để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhiều nông dân trên địa bàn Thành phố đã mong muốn sớm rà soát, hoàn thiện và ban hành các lộ trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, có chính sách hỗ trợ nông dân và tổ hợp tác được tiếp cận, vay vốn dễ dàng hơn.
Hội Nông dân các cấp tăng cường giới thiệu, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, trang thiết bị, vốn ưu đãi để hội viên, nông dân ứng dụng, nâng cao năng suất, chất lượng và quy mô, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường./..