Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi

 

 Hội nghị lấy ý kiến đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh chiều 20/8. (Ảnh: Nguyễn Châu)

Nhận thức được tầm quan trọng và mức độ tác động của công tác điều chỉnh Bảng giá đất đối với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và tình hình kinh tế  xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nên ngoài việc tổ chức lấy ý kiến theo trình tự, thủ tục rút gọn của pháp luật xây dựng văn bản quy phạm (công bố và lấy ý kiến trong thời gian 07 ngày), Thành phố đã thực hiện bổ sung 4 hội nghị lấy ý kiến.

Đặc biệt, từ ngày 19 – 23/8/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng Internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thành phố nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Tính đến sáng ngày 21/8/2024, đã thu thập được hơn 20.000 ý kiến góp ý.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông tin về kết quả tiếp thu ý kiến góp ý tại các hội nghị phản biện về điều chỉnh bảng giá đất.

Theo đó, các hội nghị đều thể hiện tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, tập trung vào mục tiêu chung xây dựng được Bảng giá phù hợp, sát thực tế, cần có lộ trình, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, khắc phục những tồn tại bảng giá hiện hành, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và tài chính, đất đai trên địa bàn Thành phố.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã thống nhất về sự cần thiết phải điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn Thành phố.

Đối với lộ trình điều chỉnh Bảng giá và cân nhắc giá đất tại một số khu vực còn hạn chế về điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội, theo quy định của Luật Đất đai 2024, lộ trình điều chỉnh Bảng giá đất gồm 03 giai đoạn:

Từ 01/8/2024 – 31/12/2025: Điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Xác định mức độ, tính chất phức tạp và đối tượng tác động của Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Bảng giá đất điều chỉnh được thực hiện đúng theo trình tự quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Thẩm quyền điều chỉnh Bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc về UBND Thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và khoản 6 Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Giai đoạn từ 01/01/2026 – 31/12/2026: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án xây dựng Bảng giá đất áp dụng lần đầu từ ngày 01/01/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024. Thẩm quyền phê duyệt Bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc về Hội đồng nhân dân Thành phố.

Từ 01/01/2027 trở đi, thực hiện điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo (quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024).

Đánh giá và thực hiện xác định giá đất phù hợp với thực tế, điều kiện hạ tầng

 

 Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cập nhật Bảng giá đất điều chỉnh là phản ánh thực tế về giá đất tại tất cả các quận, huyện, không phân biệt nội thành hay ngoại thành.

Đối với ý kiến đề nghị “Cân nhắc giá đất tại một số khu vực còn hạn chế về điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến này và chuyển cho đơn vị tư vấn để nghiên cứu, đánh giá và thực hiện việc xác định giá đất phù hợp với tình hình thực tế về giá đất cũng như phù hợp với điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội tại các khu vực còn hạn chế. Kết quả tiếp thu ý kiến góp ý và điều chỉnh giá đất tại Bảng giá đất sẽ được Hội đồng thẩm định Bảng giá đất Thành phố xem xét, thẩm định theo trình tự.

Đối với ý kiến cho rằng, cần thực hiện đánh giá tác động đối với một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, tập trung vào việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết, đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất trong quá trình tổ chức các Hội nghị và cũng là vấn đề được Cơ quan tham mưu trăn trở nhất trong quá trình xây dựng văn bản. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, về mặt nguyên tắc, giá đất tại Bảng giá đất phải phản ánh được giá đất thực tế phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và quy định của Luật Đất đai 2024.

Mức thu và tỷ lệ thu đối với nghĩa vụ này sẽ được quy định tại các văn bản do Cơ quan trung ương ban hành. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc giao các Bộ ngành có liên quan để tham mưu, xây dựng và ban hành chính sách quy định về mức thu, tỷ lệ thu cho phù hợp khi Bảng giá đất đã điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết cụ thể đối với trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất là khoảng chênh lệch giữa giá đất của mục đích sử dụng đất sau (đất ở) trừ (-) đi giá đất của mục đích sử dụng đất trước khi chuyển (đất nông nghiệp). Theo kết quả Bảng giá đất điều chỉnh thì giá đất nông nghiệp có tỷ lệ tăng bình quân cao hơn (11-14 lần) so với tỷ lệ tăng giá của đất ở (4-5 lần), do đó, khoảng cách giữa 2 mục đích sử dụng đất sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, trường hợp chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất, khi nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thu nhập thì mới phải nộp. Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách đã có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất./.

V.Lê