Rau trồng tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Văn Nguyễn)

Theo nhận định của tổ chức Liên hợp quốc, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng, đến năm 2030 thì có thêm 450 triệu người và tăng thêm 1.65 tỷ người đến năm 2050. Đồng thời cũng thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thị thường tiêu thụ nông sản ổn định, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của cả vùng và cả nước.

Mặc dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng ngành chế biến vẫn chưa khai thác hết tiềm năng do những tồn tại hạn chế. Cụ thể là sự thiếu liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị, chậm trong việc ứng dụng KHCN vào quy trình sản xuất dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ... Điều này cho thấy thành phố cần phải đánh giá lại hiệu quả của các chính sách chiến lược hiện hành và kiến tạo các chiến lược mới mang tính đột phá.

Thế giới cũng có rất nhiều bài học thành công trong ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chế biến. Trong bài viết này, chúng tôi chọn Thái Lan làm trường hợp để nghiên cứu. Vì Thái Lan là đất nước có điều kiện tài nguyên đất đai thổ nhưỡng và khí hậu khá tương đồng với miền Nam Việt Nam. Vậy Thái Lan đã làm gì để trở thành một nước sản xuất và cung cấp lương thực hàng đầu trên thế giới (một trong những quốc gia xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 ở Châu Á), được mệnh danh là “cái bếp công nghệ cao của thế giới” (the hi-tech kidchen of the world).

Với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào quanh năm, chi phí nhân công thấp, và có lực lượng lao động có tay nghề, Thái Lan có lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Thái Lan sử dụng lên đến 80% nguyên liệu nội địa trong chế biến thực phẩm do đó họ có thể cung ứng thị trường trong và ngoài nước với giá cả cạnh tranh. Hiện, Thái Lan có khoảng 10,000 doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Ngành chế biến thực phẩm đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Thái Lan, có giá trị 102 tỷ USD và đóng góp cho 23% GDP của cả nước vào năm 2017, đóng góp khoảng 52% giá trị xuất khẩu của thực phẩm và đóng góp gần 15% của sản lượng sản xuất của Thái Lan.

Động lực thúc đẩy nghành chế biến nông sản là nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp bằng cách đa dạng hóa, tăng chất lượng và kéo dài hạn hạn sử dụng của sản phẩm đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Tùy theo nhu cầu của từng thị trường và phân khúc thị trường, nông sản phải được qua chế biến từ cấp độ thấp đến cao. Ngành chế biến thực phẩm của Thái Lan được chia thành 3 loại theo cấp độ chế biến:

Thực phẩm chế biến thô (Minimally processed foods) như thịt gà, hay các loại hải sản đông lạnh. Thái Lan nằm trong Top-5 về hai sản phẩm trên và có xu hướng tăng.

Thực phẩm chế biến vừa (Moderately processed foods) là loại sản phẩm để kéo dài thêm hạn sử dụng và tăng thêm giá trị cho nông sản địa phương hơn nữa. Để làm được điều này, Thái Lan đã sự dụng công nghệ cao trong lĩnh vực đóng hộp và sấy lạnh cũng như các kỹ thuật bảo quản sản phẩm khác. Thái Lan được công nhận là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu về đồ ăn đóng hộp, như dứa và cá thu.

Thực phẩm siêu chế biến (Highly processed foods) là một loại sản phẩm mới nhưng có tốc độ phát triển cao và nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng hơn 10% năm. Do quá trình đô thị hóa mạnh và nhịp sống hiện đại ngày càng bận bịu thì nhu cầu những bữa ăn sẵn và tiện lợi ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp thực phẩm Thái đã phát triển nhiều mô hình sản phẩm siêu chế biến như bữa ăn sẵn (ready meal) và những sản phẩm tiện dụng (convenient meat và products). Loại thực phẩm này có thể tăng giá trị của sản phẩm Nông nghiệp lên mức cao nhất.

Để đạt được những kết quả kể trên và tạo dựng được thương hiệu quốc tế, Chính phủ Thái Lan đã có chiến lược rất rõ ràng và dài hạn trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp thành nông nghiệp và thực phẩm công nghệ cao cũng như những cam kết lâu dài trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc tế. Chính sách toàn diện đó bao gồm từ việc xây dựng một chuỗi giá trị nông nghiệp có sự kết nối chặt chẽ của các thành phần bên trong, từ nông dân cho đến nhà chế biến, cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới lo ngại về an toàn thực phẩm, thì Thái Lan đã chú trọng vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm của mọi công đoạn trong chuỗi sản xuất. Đối với người nông dân, chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật khoa học công nghệ để người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và chất lượng thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp thì họ được chính phủ đặt ở vị trí trung tâm trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ mới. Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ về tài chính, tạo cơ chế thuận lợi và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như kết nối doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để phát triển các công nghệ nông nghiệp (Agtech) và công nghệ sinh học (Biotech). Ví dụ điển hình là Chính phủ Thái Lan thành lập tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thực phẩm, Food Innopolis, là nơi các doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu sẽ nghiên cứu và sáng tạo biến những ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm với sự hỗ trợ của đơn vị nghiên cứu của Nhà nước cũng như kết hợp với các nhà khoa học từ các trường đại học, các nhà khởi nghiệp trong và ngoài nước. Điều đáng chú ý là các trung tâm phát triển công nghệ nông nghiệp đều nằm trong vùng phụ cận của siêu đô thị Băng Cốc.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư cho Nông nghiệp công nghệ cao Chính phủ Thái Lan, cụ thể là hội đồng đầu tư (Thailand Board of Investment (BOI)) đã có một loạt biện pháp, chính sách để thúc đẩy nông nghiệp vông nghệ cao, như xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao, các biện pháp khuyến khích về thuế, như là miễn thuế lên đến 13 năm. Biện pháp khác như vấn đề cấp visa và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, được sở hữu đất để phát triển nông nghiệp. Nhờ vậy Thái Lan cũng thu hút được rất nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực thực phẩm, như Cargill, Dupont, Kellogg, McCormick, Ajinomoto, Yamamori, Danone, Nestle và Unilever.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan, TP rút ra được một số bài học và nhận thức cho phát triển ngành chế biến nông nghiệp.

Mặc dù thị trường lương thực thực phẩm thế giới có tiềm năng lớn và liên tục tăng trưởng. Theo nhận định của tổ chức Liên Hợp Quốc, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng, đến năm 2030 thì có thêm 450 triệu người và tăng thêm 1.65 tỷ người đến năm 2050. Nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt với nhiều đối thủ mạnh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trong bối cảnh đó, để có thể cạnh tranh và tạo vị thế trên thị trường thì đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh phải có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đa dạng chủng loại, đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng. Do vậy, chính quyền thành phố cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp để hiện thực hóa nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là thúc đẩy thực hiện chiến lược đi tắt đón đầu công nghệ tiên tiến của thế giới trong sản xuất để đảm tăng hiệu suất sản xuất, giảm chi phí và giá thành, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng theo tiêu chuẩn quốc tế.

An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng mà người tiêu dùng rất quan ngại và là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của họ. Do vậy, Thành phố cần có chính sách và chương trình hành động cụ thể để truy xuất nguồn gốc cho cả chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo dựng lòng tin và thương hiệu. Cụ thể là thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, ví như công nghệ blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được nhiều quốc gia thử nghiệm và ứng dụng.

Thúc đẩy phát triển chế biến nông nghiệp dựa trên cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp và người tiêu dùng làm trọng tâm. Mọi biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đổi mới và sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Như vậy thì KHCN trong Nông nghiệp mới đi nhanh được vào thực thế. Chính quyền chỉ đóng vai trò người tạo ra “sân chơi” cho doanh nghiệp, cụ thể là xây dựng cơ cấu hạ tầng kỹ thuật cần thiết, tạo ra cơ chế và môi trường hoạt động thuận lợi và phù hợp để giúp hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp có hiệu quả tối ưu.

Quá trình chuyển đổi và phát triển là một quá trình lâu dài, ví dụ như Thái Lan đã bắt đầu làm từ 60 năm trước. Do vậy đòi hỏi sự cam kết lâu dài của chính quyền.

Trên cơ sở phân tích tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương (như vị trí địa lý, vị trí chiến lược, tiềm lực sản xuất nội tại của thành phố trong các lĩnh vực đó, nền tảng khoa học công nghệ, tiềm năng tăng trưởng và mở rộng của thị trường...), cho thấy thành phố có thế mạnh và vị trí quan trọng ở các công đoạn sau thu hoạch của chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Sự tham gia của thành phố trong các công đoạn này không chỉ thúc đẩy phát triển nền kinh tế và đóng góp quan trọng trong liên kết vùng, kết nối người nông dân của toàn vùng với thị trường trong và ngoài nước./.

CM