Áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. (Ảnh:V.Lê)

 Đề án đã tổ chức khảo sát với quy mô 12.869 phiếu đối với công chức và 76.601 phiếu đối với viên chức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhằm thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ TP Hồ Chí Minh.

Kết quả khảo sát công chức cho thấy, áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. Hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Một tỷ lệ khá cao (hơn 43%) công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp, gần 22% còn đang phân vân.

Đây là con số đáng để những người làm công tác quản lý phải suy ngẫm. Trong một báo cáo mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa gửi lên Bộ Nội vụ về tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức trên địa bàn cho thấy, trong vòng 5 tháng (từ ngày 1/5 đến ngày 30/9), toàn địa bàn thống kê được 23 công chức nghỉ việc và 179 viên chức nghỉ việc.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, có 3 lý do nổi bật khi công chức lựa chọn rời bỏ công việc, gồm: thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.

Trên thực tế, công chức ở TP Hồ Chí Minh bị quá tải không chỉ vì dân số đông mà còn vì cường độ hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội dày đặc nên lượng công việc lớn gấp nhiều lần so với những nơi khác. Trung bình một biên chế của Thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh khác trong cả nước.

Áp lực này thấy rõ nhất là ở cấp cơ sở. Qua khảo sát mà UBND TP Hồ Chí Minh công bố, có đến 80,48% công chức ở phường, xã, thị trấn đánh giá khối lượng công việc ở mức “nhiều” và “rất nhiều”. Đây cũng là khu vực mà công chức có mức thu nhập thấp nhất. Chế độ tiền lương cũng đang là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp trong khi áp lực công việc quá lớn có thể nói là một trong những lý do hàng đầu cho việc công chức sẵn sàng thay đổi công việc của mình khi có cơ hội.

Mỗi ngày, có rất nhiều người dân đến UBND xã, phường, quận, huyện  trên địa bàn Thành phố ngồi chờ để thực hiện các thủ tục hành chính.  

Bên cạnh công chức, kết quả khảo sát viên chức cũng cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu nhân lực; đa số đánh giá thu nhập chưa xứng kết quả công việc, thu nhập của viên chức phân bố chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ xấp xỉ 50% viên chức cho rằng thu nhập ở khu vực công là hợp lý trên các khía cạnh được xem xét.

Thực tế này cũng dẫn tới một thực trạng khác đang diễn ra trên địa bàn Thành phố là mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Cán bộ, công chức, viên chức đang phải dành phần lớn thời gian ở cơ quan để làm việc, không có nhiều thời gian cho bản thân cũng như các hoạt động với gia đình.

Không để áp lực công việc ảnh hưởng tới động lực phụng sự của mỗi cán bộ, công chức, viên chức Thành phố; tạo môi trường thuận lợi, hài lòng nhất cho mỗi cá nhân được cống hiến và phát huy sự năng động, sáng tạo, thì trong Đề án xây dựng nền công vụ TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, Thành phố nhận diện đúng vấn đề và từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại ở 3 yếu tố của nền công vụ gồm năng lực, động lực và môi trường. Đồng thời ưu tiên cải thiện các yếu tố liên quan trực tiếp đến đội ngũ công chức, viên chức.

Giai đoạn 2026 – 2030, TP Hồ Chí Minh tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đáp ứng mục tiêu “muốn làm, làm được, được làm”.

Hàng loạt các giải pháp được Thành phố đưa ra nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong nền công vụ cũng như tăng cường các chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức của Thành phố. Bên cạnh các chính sách sách hỗ trợ thu nhập, tôn vinh, khen thưởng, cân bằng công việc - cuộc sống… để cán bộ, công chức, viên chức được ghi nhận xứng đáng với cống hiến, Thành phố đặc biệt quan tâm và sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ mua nhà ở thương mại (đối với những trường hợp có đủ điều kiện về thu nhập, khả năng chi trả) thuộc phân khúc trung bình trở xuống.

Chính thức ban hành Đề án nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc xây dựng năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn (gồm: xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; hoàn thiện tổ chức, bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hóa nền công vụ; kiên trì kiến nghị, đề xuất, tìm kiếm các đột phá về thể chế; nhóm vấn đề cần tiếp nối bằng các đề án nhánh mang tính chiến lược) hi vọng Thành phố sẽ tạo ra những cơ chế để không những giữ chân được đội ngũ công chức, viên chức của mình mà còn có thể tuyển dụng thêm được nhiều cán bộ tài năng, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực trong bộ máy công quyền cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố - đầu tàu kinh tế của cả nước, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn của Thành phố./..

 

 

V.Lê