Đó là khẳng định của Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Lân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chống Lao Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị tăng cường hoạt động phối hợp y tế công – tư trong phòng, chống bệnh lao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 diễn ra chiều 26/6.
Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại một bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Lân, ước tính hàng năm số người nghi lao được hệ thống y tế công – tư của Thành phố phát hiện chiếm khoảng 30% số ca mắc lao mới. Cùng với đó, việc thu nhận bệnh lao vào điều trị ở các cơ sở y tế công – tư chiếm khoảng 16-19% tổng số bệnh nhân lao của Thành phố. Trong những năm qua, có 5 cơ sở y tế công – tư thực hiện tốt việc phát hiện, điều trị lao là Trung tâm Phổi Việt, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn. Một số bệnh viện khác như: Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á…cũng tham gia điều trị bệnh lao ngắn ngày (dưới 21 ngày).
Với những hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thành phố sẽ huy động thêm sự tham gia của các bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện FV, Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh, Trung tâm chẩn đoán y khoa Hòa Hảo trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh lao.
Ngoài các bệnh viện, Thành phố Hồ Chí Minh còn huy động sự tham gia của các phòng khám tư nhân trong phối hợp phát hiện, điều trị bệnh lao. Tính đến nay, có hơn 350 phòng khám tư nhân tham gia phối hợp với Chương trình chống lao Thành phố. Đi đầu trong việc vận động phòng khám tư nhân tham gia vào công tác phòng chống lao là quận Gò Vấp. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị này đã phối hợp cùng Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án Chăm sóc đúng và đã vận động được 46 phòng khám tư nhân tham gia vào chương trình phòng, chống lao.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp chia sẻ, Trung tâm đã tạo mọi điều kiện khuyến khích các phòng khám tư nhân phát hiện, chuyển gửi và điều trị bệnh lao trong cộng đồng như: mỗi phòng khám sẽ nhận được tiền công 200 ngàn đồng nếu phát hiện và chuyển gửi thành công một ca lao về Trung tâm y tế quận. Cùng với đó, hỗ trợ thuốc, chi phí chụp X-quang cho phòng khám (trong trường hợp bệnh nhân không có khả năng chi trả), các chi phí phát sinh trong quá trình điều trị phòng khám tư được phép thu của bệnh nhân. Trong trường hợp cả bệnh nhân lẫn phòng khám thỏa thuận sẽ điều trị có trả phí thì Trung tâm y tế quận sẽ giám sát hoạt động điều trị này nhằm đảm bảo điều trị đúng và không mất dấu bệnh nhân.
Hiện dự án Chăm sóc đúng mới chỉ được triển khai tại quận Gò Vấp và 7 quận, huyện khác trên địa bàn. Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình chống lao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Hội Y tế công cộng Thành phố tiếp tục mở rộng dự án Chăm sóc đúng tại 24 quận, huyện. Đồng thời Chương trình chống lao cũng sẽ tích cực phối hợp với các bệnh viện quận, huyện thiết lập hệ thống giám sát, phát hiện, điều trị bệnh lao trong cộng đồng. Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai mô hình điều trị lao tại các phòng khám tư nhân; thời gian đầu sẽ thí điểm tại các phòng khám tư của các bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch./.