Tọa đàm được tổ chức là để chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng và gợi mở những giải pháp liên quan đến vấn đề đào tạo năng lực cho thanh niên để thế hệ này có thể phát huy sức trẻ và đảm nhận vai trò của mình trong xây dựng và phát triển xã hội.

Tham dự tọa đàm có Ngài Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Indonesia tại TP Hồ Chí Minh; Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng đại diện tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam; Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch HĐ quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV); TS. Phan Thanh Định - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN; cùng các vị lãnh đạo của các sở, ban, ngành, thành đoàn, Hiệp hội tại TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; cán bộ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh và trên 100 sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia, NCS quốc tế...

Ngài Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Indonesia tại TP Hồ Chí Minh phát biểu: “Thanh niên là lực lượng chính để phát triển bền vững và là tác nhân chính của thay đổi xã hội, tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ”.

Với thực trạng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khí hậu mà Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thế hệ thanh niên là “tài sản” và là lực lượng quan trọng trong các hành động hướng tới phát triển bền vững. Chính trong bối cảnh này, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam triển khai dự án “Thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu” từ năm 2021 đến 2024 có vùng hoạt động trải dài 9 tỉnh thành với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo cho 13.902 thanh niên thành những công dân toàn cầu tích cực và chủ động thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững về bảo vệ môi trường và khí hậu.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN đánh giá, tọa đàm là một cơ hội tốt cho sinh viên Việt Nam trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học về công tác xã hội và hội nhập thanh niên khu vực. Theo đó thanh niên cần tăng cường giao lưu, kết nối trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội đối với những vấn đề chung của ASEAN như biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh truyền thống - phi truyền thống, chuyển đổi số trong thời đại 4.0… “Đây đều là những vấn đề cần tư duy, tầm nhìn chung của ASEAN chứ không chỉ riêng một nước nào”.

Trong phiên thảo luận của chương trình tọa đàm, các diễn giả đã phân tích những vấn đề liên quan đến thanh niên dưới nhiều góc độ. TS. Nguyễn Minh Nhựt  trong tham luận “Thanh niên với hoạt động tình nguyện tại TP Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp” cho rằng, “Hoạt động tình nguyện của thanh niên TP Hồ Chí Minh ngày càng hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội. Đặc biệt, sự phát triển các đội hình chuyên trong hoạt động tình nguyện đã đánh dấu sự phát triển về chất của hoạt động tình nguyện thành phố Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện chưa xác định động cơ đúng đắn nên tâm thế tham gia chưa nhiệt tình, trách nhiệm”.

Qua nghiên cứu của TS. Vũ Thị Tùy Dung với tham luận “ Nâng cao năng lực của thanh niên dân tộc thiểu số hướng tới các dự án phát triển cộng đồng” cho thấy lao động thanh niên dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản từ bản thân và cộng đồng trong việc phát triển năng lực như trình độ học vấn thấp, thiếu thông tin về thị trường, thiếu kỹ năng làm việc và vốn xã hội, tâm lý ngại ra khỏi làng.... Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho thanh niên dân tộc thiểu số cần có những giải pháp cần kíp (cấp bách) và lâu dài.

Tọa đàm còn cập nhật thêm những thông tin về thanh niên quốc tế qua tham luận của ThS. Patrick Campbell. Patrick đã trình bày tổng quan về công tác xã hội ở châu Âu và những vấn đề hiện nay mà thanh niên châu Âu phải đối mặt. Với tình hình đó, châu Âu đã đề ra Chiến lược thanh niên châu Âu giai đoạn 2019-2027 nhằm cải thiện tình hình thanh niên châu Âu bằng cách tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng trong giáo dục và lao động và bằng cách thúc đẩy tình đoàn kết, hòa nhập xã hội và quyền công dân tích cực của thế hệ này. 

Cũng trong chương trình tọa đàm, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Tổ chức Actionaid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác. Từ đây, các tổ chức có cơ chế để cùng đồng hành và hoạt động hiệu quả các chương trình xây dựng năng lực cho thế hệ thanh niên hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận đã ký kết từ đây đến tháng 7/2024.

Trong dịp này, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN cũng tiếp nhận 14 hạng mục ấn phẩm từ tổ chức ActionAid và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam nhằm bổ sung danh mục tài liệu trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Trung tâm./..

PV