Quán nhậu vắng vẻ.
Dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 la liệt các quán nhậu sáng đèn về đêm. Vào giờ tan tầm "cánh mày râu" ngồi tụ tập, mặt đỏ tía tai, chúc tụng nhau. Thế nhưng đến nay, tình trạng này giảm hẳn. Ông Quang Minh chủ quán nhậu quận 9 than thở, kể từ ngày 1/1/2020 khi Nghị định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính thức có hiệu lực, Cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên thổi phạt ở đầu đường khiến người nhậu e dè. Ngày xưa quán nhậu của anh rất đông khách, phục vụ liên tục, giờ trở nên ảm đạm, vắng lặng. Doanh thu giảm đến 60-70%.
Là "dân nhậu chuyên nghiệp", anh Nguyễn Thanh Huyên, quận 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Bản thân cũng không thích thú với việc nhậu nhẹt. Phần lớn là vì công việc. Bởi ra bàn nhậu bàn chuyện làm ăn thuận lợi hơn. Chúng tôi thường đi xe ô tô đến nhậu để đối tác tin tưởng mình hơn. Vì thế khi nghị định cấm uống rượu bia khi lái xe có hiệu lực, tôi cũng thấy bất tiện. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đây cũng là vì sự an toàn cho mọi người. Do vậy, tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi sẽ nhận thấy lợi ích thiết thực này.
Để đảm bảo doanh thu, nhiều quán nhậu đã đưa ra các gói dịch vụ thu hút khách như: Đưa đón khách nhậu về tận nhà, tặng phí grap chở khách về,... tuy nhiên, lượng khách vẫn sụt giảm. Anh Hoàng Hùng, nhân viên quán nhậu tại quận 7 cho biết, dù đã áp dụng nhiều gói dịch vụ khuyến mại, nhưng vẫn khó giữ chân khách như xưa.
Anh Hoàng Nam, quận 12 kể lại: “Công việc áp lực, thỉnh thoảng muốn gặp bạn bè hàn huyên cho vui. Và kết quả là nhiều lần tôi rời quán trong tình trạng say xỉn, loạng choạng. Nghĩ lại cũng thấy sợ, không hiểu sao mình vẫn có thể về được tới nhà."
Còn anh Ngọc Tuấn, nhân viên văn phòng chia sẻ: "Giờ đến quán đều nghe dân nhậu bàn tán về khung hình phạt đối với hành vi uống rượu, bia vẫn lái xe. Khung hình phạt tối đa 7,5 triệu đồng, thậm chí người uống rượu bia lái xe còn có thể bị tước bằng lái hai năm đã làm nhiều "dân nhậu" phải dè chừng. Nhưng nhờ vậy, nhiều người uống có chừng mực hơn.
Mặc dù đang mùa giải vô địch bóng đá U23 Châu Á, quán chỉ lác đác vài khách.
Sau một thời gian áp dụng quy định mức xử phạt mới theo Nghị định 100, Phòng CSGT Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã lập biên bản xử phạt hơn 2.000 trường hợp vi phạm luật giao thông. Trong số này có 200 người vi phạm nồng độ cồn, gồm 190 tài xế xe máy và 10 tài xế ôtô.
Theo thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP. Hồ Chí Minh, nghị định mới chỉ quán triệt đã dùng rượu bia thì không được lái xe, chứ không cấm người dân uống rượu. Việc làm này nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn do tác hại rượu bia đem lại. Bây giờ, người dân có thể đến quán nhậu và ra về bằng nhiều phương tiện như taxi, xe ôm công nghệ...khi đã sử dụng thức uống có cồn. Mục đích chính của việc kiểm tra nồng độ cồn là giúp người dân tuân thủ pháp luật, tự bảo vệ bản thân.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2020 cũng là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia với tinh thần “Đã uống rượu, bia – không lái xe", TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, bị thương do an toàn giao thông so với năm 2019.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, để thực hiện mục tiêu trên, năm 2020 cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông, đặc biệt là chấp hành quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Lực lượng CSGT Công an TP phải quyết liệt xử lý các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Ban An toàn giao thông TP cần nghiên cứu, đề xuất cho hơn 140.000 cán bộ công chức TP ký cam kết đã uống rượu bia thì không lái xe…
Với 41 mức xử phạt mới cho ô tô, xe máy, trong đó đa phần là tăng nặng với vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chỉ trong một thời gian ngắn Nghị định đã góp phần làm hạn chế số ca tai nạn giao thông và nâng cao ý thức, trách nhiệm của tài xế./.