Sản phẩm rau chất lượng cao của TP.Hồ Chí Minh có mặt tại các siêu thị, hội chợ được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh: K.V)

Trong đó, thu từ trồng trọt 2.266 tỷ đồng, tăng 5,61% so cùng kỳ; chăn nuôi là 3.893 tỷ đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ; thủy sản đạt 2.973 tỷ đồng, tăng 6,97% cùng kỳ; và dịch vụ nông nghiệp là 720 tỷ đồng, tăng 14,74% so cùng kỳ.

Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, trong 6 tháng các quận, huyện đã phê duyệt 120 quyết định, với 322 lượt vay, tổng vốn đầu tư trên 364 tỷ đồng, tăng 117% so cùng kỳ. Từ đó đã giúp cho các hộ sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển kinh tế, hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Cùng với đó, TP.Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay bình quân mỗi xã của Thành phố đạt 16,7 tiêu chí (tăng 1,3 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 15,4 tiêu chí). Bình quân mỗi huyện đạt 5,8 tiêu chí (tăng 1,2 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 4,6 tiêu chí/huyện).

Được biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành.

Thành phố cũng đã tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp của Thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm: rau, hoa cây cảnh, bò sữa, lợn, tôm nước lợ, cá cảnh.

Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh còn triển khai các cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận được các cơ chế ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất. Triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiến hành thẩm định các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã của 5 huyện ngoại thành. Thực hiện 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính, với chủ đề của năm “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính. Phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp góp phần thực hiện xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai khẩn cấp các tình huống phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 09/01/2019 và Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 20/4/2019. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp, hợp tác xã về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời để giám sát nguồn heo và sản phẩm thịt lợn vào thành phố. Hướng dẫn hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đặc biệt tập trung kiểm tra thực tế tại các hộ có nguy cơ cao dễ xảy ra dịch bệnh để hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học./.

K.V