Từ nỗi lo của chính bản thân và các y, bác sĩ thường xuyên đối mặt với bệnh nhân trong bối cảnh dịch COVID-19, trong những ngày này, các cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau giờ làm việc, tự tay làm ra những nón kính bảo hộ, ngăn giọt bắn, phòng lây nhiễm COVID-19.
Hiện tại, ngoài việc tiếp tục tự tay làm ra những tấm chắn ngăn giọt bắn tặng khoa Khám bệnh, khoa Khám xuất cảnh…, phòng Nghiên cứu Khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bàn giao sáng chế này cho Đoàn cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời hướng dẫn các khoa phòng khác trong Bệnh viện để làm thật nhiều và thật nhanh những tấm chắn ngăn giọt bắn, không chỉ phục vụ cho các y bác sĩ ở phòng khám, mà còn là dụng cụ bảo hộ, giúp tránh tình trạng phơi nhiễm cho y bác sĩ ở nhiều bộ phận có nguy cơ cao khác, như Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Bệnh nhiệt đới, Phòng Hành chính… Những món quà đầy ý nghĩa này đã được phòng Nghiên cứu Khoa học gửi đến đội ngũ y bác sĩ của các phòng khám Bệnh viện Chợ Rẫy.
Được biết, nón kính bảo hộ hay hơn khẩu trang ở chỗ miếng mica trong là mặt phẳng, có thể lau, rửa. Còn với khẩu trang, virus sẽ bám dính trên đó. Vì vậy, nên đeo khẩu trang vải bên trong và bảo hộ thêm chiếc nón kính này bên ngoài.
Bên cạnh đó, khẩu trang không che được mắt và cổ, trong khi nón kính bảo hộ này diện tích lớn nên che chắn rộng hơn, cả mắt và phần cổ. Nón làm bằng chất liệu mica và xốp nên đeo rất nhẹ nhàng, thoải mái, ngăn giọt bắn hiệu quả khi nói chuyện. Nón kính bảo hộ dùng xong có thể tháo xuống vệ sinh dễ dàng, hấp nhiệt độ vừa và tia cực tím khử khuẩn để tái sử dụng.
Ngoài ra, sau khi sử dụng có thể vệ sinh bằng cách dùng khăn tẩm cồn lau nhẹ mặt trước (mica trong). Nếu cơ sở y tế có đèn tia cực tím thì ban ngày dùng nón, ban đêm chiếu đèn 1 giờ thì càng tốt.
Nguyên liệu gồm: Tấm kiếng trong dẻo dùng trong đóng sách; Miếng nhựa làm khung của tấm chắn; Tấm mút làm vòng đầu; Băng keo 2 mặt; Nút bấm nhựa và dụng cụ bấm; Kéo + thước kẻ.
Cách làm gồm các bước sau:
Bước 1: Cắt tấm kiếng theo kích thước A3 hoặc A4, cắt bo viền; Cắt tấm mút làm vòng đầu với chiều ngang 2.5 cm, chiều dài 32 cm; Cắt miếng nhựa dẻo kích thước ngang 2.5 cm, dài 41 cm.
Bước 2: Chấm trung điểm tấm mút, từ trung điểm đo sang 2 bên mỗi bên 12 cm (với khổ kiếng A4) hoặc 17 cm (với khổ kiếng A3) và đánh dấu cách cạnh dài 1 cm. Dùng tấm mút ướm thử vòng đầu và đánh dấu lại cho phù hợp.
Bước 3: Dán băng keo 2 mặt dính tấm nhựa vào mặt trên tấm kiếng dẻo, đánh dấu 2 góc miếng nhựa cách cạnh dài và cạnh ngang đều 1 cm.
Bước 4: Bấm nút vào các vị trí đã đánh dấu.
Dưới đây là một số hình ảnh các cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học Tại Bệnh viện Chợ Rẫy làm những chiếc nón kính bảo hộ:
Họ đã tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi,
tự tay làm ra những nón kính bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19.
Những chiếc nón này có giá thành phẩm là 4000 - 5000 đồng/chiếc.
Các cán bộ phòng Nghiên cứu Khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy...
Với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo...
Họ đã tạo ra những chiếc nón kính bảo hộ gửi tới các bác sỹ, y tá phòng ban khác sử dụng.