Doanh nghiệp tư vấn cách phân biệt hàng thật.
Trên thị trường hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, xâm phạm bản quyền thương hiệu của doanh nghiệp đang là vấn đề báo động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm.... Đối tượng buôn bán hàng giả tại Việt Nam cũng đang ngày càng tinh vi hơn về cách thức làm giả để lừa người dùng.
Ông Lê Huy Anh - Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm dễ tiếp cận, có phạm vi xuyên biên giới, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây là loại hình kinh doanh tiên tiến, là xu thế phát triển không thể đảo ngược, là kênh thương mại vô cùng thuận lợi để chủ thể quyền tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. “Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30-35% mỗi năm. Năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam á. Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo các nhà quản lý kinh tế, trên môi trường mạng rất khó xác định nguồn gốc hàng hoá xâm phạm quyền, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi; nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chi tiếp nhận đặt hàng trực tuyến; phân tấn hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng. Các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển, gây khó khăn cho công tác điều tra. Mặt khác, công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sàn thương mại điện tử còn chưa thực sự hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp chặn đối với các trang web thương mại điện tử có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chậm.
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong những năm vừa qua cơ quan quản lý kiểm tra rất nhiều, tuy nhiên số vụ hàng giả, hàng vẫn còn rất lớn, quy mô lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. “Các mặt hàng bán chạy trên thị trường phần lớn đều bị làm giả. Phổ biến nhất hiện nay là hàng thời trang quần, áo, mắt kính, đồng hồ, các loại mỹ phẩm, thực phẩm, thậm chí cả thuốc. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền, gian lận thương mại tăng lên.
Đối với hành vi vi phạm hàng giả trên môi trường mạng, trên nền tảng thương mại điện tử thời gian gần đây có chiều hướng tăng lên, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều hơn. Các đối tượng vi phạm lợi dụng việc kinh doanh hàng giả thì người mua và người bán không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Người mua cũng không tiếp xúc trực tiếp với hàng mua chỉ đặt mua. “Khi đưa hình ảnh lên trên trang web, các trang mạng có thể là hàng thật, rất đẹp nhưng khi mua về thì là hàng giả, hàng xấu”.
Việc kiểm tra hàng giả rất mất nhiều thời gian, công sức lực lượng quản lý. Tuy nhiên vì quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ chủ thể quyền thì thơi gian qua lực lượng chức năng đầu tư mạnh mảng này.
Đối tượng kinh doanh cũng có thể là những đối tượng buôn bán nhỏ lẻ. Trên trang web đưa ra nhiều hình ảnh nhưng thực tế khi chúng tôi giám sát, kiểm tra chỉ có vài mặt hàng. Tuy nhiên cũng có những đối tượng kinh doanh lớn cũng từ trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, trên môi trường mạng.
Ông Đặng Văn Dũng cho rằng để đấu tranh chống các hành vi trên môi trường mạng và nói chung hàng giả, hàng lậu trên các kênh truyền thống, môi trường mạng thì Tổng cục môi trường có ban hành kế hoạch từ cuối tháng 11/2022 cao điểm tăng cường đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trước trong và sau tết, trong đó có tập trung trên môi trường mạng.
Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Chính vì vậy, việc chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để góp phần tìm giải pháp cho vấn đề ngăn chặn nạn hàng giả và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp chân chính./..