Điển hình như trường hợp ông L.V.Q (82 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), được người nhà đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Theo lời kể của người nhà, ông N.V.Q đang ăn sáng bằng món bánh cuốn chả bỗng dưng bị ho, sặc, không thở được và được đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân vào đến Bệnh viện Thống Nhất đã rơi vào tình trạng bị suy hô hấp nặng, các bác sỹ phải hỗ trợ thở máy. Tiến hành nội soi đường thở, các bác sỹ gắp ra được hai miếng chả. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi tích cực.
Bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhân bị hít sặc. (Ảnh: TTXVN)
Không may mắn như trường hợp trên, trong thời gian qua, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất cũng tiếp nhận 3 bệnh nhân trên 80 tuổi, có tiền sử tai biến mạch máu não phải đến cấp cứu do bị hít sặc trong quá trình ăn uống. Nội soi dạ dày, các bác sỹ thu được dịch lợn cợn như cháo, sữa kèm các dị vật như cơm, trứng, chả… Dù được các bác sỹ cứu chữa tích cực nhưng 3 bệnh nhân này không qua khỏi.
Bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh cho biết, ước tính khoảng 10-15% trường hợp viêm phổi trong cộng đồng là do hít sặc. Hít sặc thường gây viêm phổi và là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân khó nuốt. Triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở, tím tái đối với những trường hợp nặng. Tuy vậy, các triệu chứng do hít sặc thường bị bỏ qua, người lớn tuổi có nguy cơ hít sặc nhiều hơn do rối loạn nuốt, nhất là những người có di chứng đột quỵ não.
Để đề phòng nguy cơ hít sặc ở người lớn tuổi, bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh lưu ý người chăm sóc phải nhận biết được các biểu hiện của rối loạn nuốt như khi cho ăn, uống nước bị rơi ra ngoài, nước bọt chảy, nhiều đờm hoặc người lớn tuổi gặp khó khăn khi nhai cắn; ho sặc khi nuốt, khi đang nhai; thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn; viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần...
Bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh cũng lưu ý nên cho người lớn tuổi, nhất là những người bị rối loạn nuốt, tai biến mạch máu não ăn thức ăn mềm, tránh thức ăn xơ dính, xay nhỏ lợn cợn; cho ăn khi bệnh nhân tỉnh, cho ăn chậm, khi ăn phải ngồi hoặc nửa ngồi, sau đó đứng lên; vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn./.