Hàng trăm biệt thự biến mất
Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị là một vấn đề thiết yếu trong việc quản lý, phát triển đô thị đặc biệt đối với TPHCM. Để tiến tới đánh giá, phân loại biệt thự, Sở đã chủ trì và Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (NCKT) tổ chức thực hiện công tác khảo sát, lập phiếu kiểm kê và đánh giá cho các loại biệt thự.
Dinh Thượng Thơ, một công trình kiến trúc cũ có ý kiến cần được bảo tồn.
Cụ thể, từ danh sách được giao ban đầu 1.227 địa điểm, Trung tâm NCKT đã tiến hành kiểm kê được 1.104 địa chỉ, đạt tỷ lệ 90%. Trong quá trình kiểm kê, ghi nhận có 560 địa chỉ không còn biệt thự. Trung tâm NCKT đã lập phiếu kiểm kê, đánh giá khoảng 240 địa chỉ chuyển Hội đồng phân loại biệt thự, đạt khoảng 36% trên tổng số biệt thự vẫn còn (cần lập phiếu để đánh giá phân loại). Trong số 240 địa chỉ nêu trên, đã tập trung vào các địa chỉ có khả năng, đánh giá phân loại vào biệt thự Nhóm 1, Nhóm 2 (gần 100 địa chỉ).
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã, dù công tác bảo tồn biệt thự được triển khai sớm và thực hiện tương đối hiệu quả nhất trong các chương trình, nhưng Sở còn chậm trong phối hợp giữa Trung tâm NCKT và các phòng ban của Sở, nên thời gian qua chưa chuyển được nhiều hồ sơ qua Hội đồng phân loại biệt thự. Đồng thời, thiếu kinh phí để hỗ trợ công việc; gặp trở ngại khi thực hiện kiểm kê (không vô được nhà, không hợp tác, che khuất tầm nhìn,…).
Cũng tại buổi giám sát, đại diện Sở Xây dựng TP cho hay: Đến nay chưa hoàn thành công tác phân loại biệt thự cũ là do nhu cầu được cải tạo, xây dựng công trình trong các khuôn viên biệt thự cũ trước năm 1975 nhằm mục đích thay thế công trình cũ hư hỏng, xuống cấp, tăng thêm diện tích sinh hoạt, làm việc hoặc kinh doanh, tách thửa… là nhu cầu chính đáng, ngày càng tăng, nhất là nhà thuộc sở hữu tư nhân. Thời gian qua, Sở Xây dựng TP nhận được nhiều hồ sơ đề nghị xin phép xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo, hoặc thực hiện giám định kết cấu công trình biệt thự hoặc hướng dẫn tháo dỡ nhà biệt thự cũ. Tuy nhiên, công tác giải quyết hồ sơ đối với các công trình biệt thự cũ gặp khó khăn do chưa được đánh giá, phân nhóm.
Chuyển đổi công năng, không chuyển đổi kiến trúc
Tại buổi giám sát, KTS Khương Văn Mười đề nghị Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn thẩm định chất lượng công trình biệt thự cũ, vì công trình cũ nhiều hạng mục bị mục, hư hỏng, tránh xảy ra thiệt hại cho người sử dụng. TP có giải pháp tài chính, có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư chuyển đổi công năng chứ không chuyển đổi kiến trúc.
Biệt thự cũ góc đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, đang được sửa chữa bảo tồn
Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt đặt vấn đề: Việc chậm kiểm đếm, thống kê sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các biệt thự, đây là điều rất đáng ngại. Bởi vì, trước khi thống kê có hơn 1.200 biệt thự nhưng sau đó đã biến mất gần một nửa. Mặt khác, TP đã ban hành Quyết định 2751/QĐ - UBND ngày 29/5/2013 của UBND TP về ban hành chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP. Đến nay, đã 6 năm và có rất nhiều nội dung phải thực hiện; trong đó có nội dung quan trọng nhất là xây dựng quy chế, các giải pháp để bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị của TP. Tuy nhiên, đã trải qua 6 năm nhưng chưa ra được quy chế này vì nhiều lý do. Do đó, nếu chậm ban hành quy chế này có khả năng những biệt thự còn lại có khả năng mai một, không còn là biệt thự nữa trong thời gian sắp tới. Vậy Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo sắp tới sẽ có những tham mưu nào để gỡ rối việc này?
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP trong thời gian tới, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã đề xuất tập trung hoàn thành các nội dung nghiên cứu khoa học của chương trình, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để UBND TP xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện cho mọi đối tượng liên quan. Xây dựng kế hoạch, từng bước công khai công bố thông tin dữ liệu về bảo tồn đến cộng đồng. Đẩy mạnh công tác bảo tồn kết hợp với phát triển, xây dựng cơ chế và chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn với TP.
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, Sở Xây dựng TP đánh giá lại 6 năm thực hiện Quyết định 2751/QĐ - UBND ngày 23/5/2013 của UBND TP. Đồng thời, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP tham mưu UBND TP xây dựng khu vực phát triển đô thị đúng theo tinh thần Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; trong đó chỉ đạo việc rà soát đánh giá và xác định các khu vực phát triển đô thị, lập kế hoạch thực hiện các khu vực phát triển đô thị, thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị, đảm bảo sự chuyển tiếp hợp lý hiệu quả trong giai đoạn ngắn hạn và phát triển đô thị bền vững trong tương lai; kêu gọi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện danh mục biệt thự và cảnh quan kiến trúc; có quy định về việc xây dựng biệt thự; có quy định đối với nhà ở biệt thự cũ đập xây dựng mới. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng TP, Sở Văn hóa - Thể thao TP tạo điều kiện cho các di tích được tôn tạo nâng cấp một cách thuận lợi; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao để 172 di tích được bảo tồn đúng thực chất, nếu phát triển phải đúng theo quy hoạch. Ngoài ra, sau khi tổng kết đánh giá 6 năm thì đề xuất để UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về công tác bảo tồn di tích và cảnh quan kiến trúc, trong đó nói rõ lộ trình, ngân sách đầu tư./.